Chữa ho, viêm họng hiệu nghiệm bằng gừng

Thời tiết đang chuyển sang mùa mưa nên nhiều người dễ bị nhiễm lạnh và cảm cúm, kèm theo đó là chứng ho khan, ho có đờm. Thay vì thuốc Tây, bạn có thể sử dụng các bài thuốc dân gian khá hiệu nghiệm từ gừng.

Gừng là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt cũng như trong các bài thuốc dân gian. Thông tin trên Tạp chí Khoa học Công nghệ cho biết 70% đơn thuốc Đông y có vị gừng. Người xưa còn có câu: Mỗi ngày một lát gừng già, lương y bất đáo gia.

Y học cổ truyền gọi gừng tươi gọi là sinh khương và gừng khô còn gọi là can khương, có vị cay, tính ấm, đi vào 3 kinh là phế (phổi), tỳ (lá lách), vị (dạ dày). Gừng có tác dụng phát biểu, ôn trung, trục hàn, tiêu đờm, giải độc tố, hồi dương, thông mạch, chống nôn ói…

Theo Đông y, gừng tươi tác dụng vào các kinh phế, tỳ, vị, thận và đại tràng, có tác dụng làm ấm, chống lạnh, hồi dương, thông lạch. Có thể dùng gừng để chữa thổ tả, đau bụng, sình bụng, chân tay lạnh, mạch yếu, cảm lạnh, ho, thấp khớp do lạnh... Trong gừng còn chứa một loại tinh dầu có thể chữa cảm lạnh, buồn nôn, chữa ho rất hiệu quả thường được dùng trong các bài thuốc Đông y.

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy gừng là một nguồn cung cấp dồi dào các vitamin A, C, E, B, magiê, kali, phốt pho, silic, sắt, natri, canxi, kẽm và beta-carotene. Gừng có tác dụng trong việc giảm rối loạn tiêu hóa, trị bệnh say tàu xe, giảm tỷ lệ dị tật, giảm viêm đau cũng như tăng cường hệ miễn dịch.

Tác giả cuốn Natural Choices for Women’s Health, bác sĩ liệu pháp Laurie Steelsmith cho biết, trong điều trị bệnh, gừng cũng được sử dụng để khắc phục chứng máu lưu thông kém và đau thắt lưng. Ở mức độ cảm giác, gừng có thể hoạt động như một chất xúc tác giúp giảm đau.

Đối với những người bị nhiễm lạnh, cảm cúm gừng được xem là loại thuốc hiệu quả nhất. Các loại nước uống, siro pha chế từ gừng từ lâu đã được xem bí kíp chữa trị ho, viêm họng hiệu quả và an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Một số lưu ý khi sử dụng gừng

- Gừng nhạy cảm với nhiệt và oxy, vì vậy cần xử lý cẩn thận khi sử dụng loại thảo dược này. Nên bảo quản củ gừng ở nơi mát mẻ, khô thoáng hoặc trong ngăn mát tủ lạnh được 2-3 tuần. Không nên sử dụng gừng tươi đã bị dập.

- Nước gừng tươi đường đỏ chỉ thích hợp với những người phong hàn cảm mạo, hoặc vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa, không được dùng cho những người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt, càng không được dùng cho những người bị trúng nắng.

- Không sử dụng gừng cho người mắc bệnh trĩ, xuất huyết hoặc bị các bệnh liên quan đến dạ dày và gan. Phụ nữ mang thai và người có thân nhiệt cao cũng nên hạn chế dùng gừng trong thời gian dài.

- Gừng có thể phù hợp và kết hợp được với nhiều loại thuốc. Nhưng cần thận trọng khi dùng thuốc phải có khuyến cáo của bác sĩ. Không nên kết hợp gừng với những loại thuốc giảm huyết áp, chống loạn nhịp tim và thuốc kích thích cơ tim. Vì hoạt tính của những loại thuốc này sẽ tăng lên khi có sự kết hợp với gừng và gây ra tình trạng công thuốc, quá liều. Ngoài ra, gừng cũng không được dùng với thuốc hạ đường huyết vì gừng sẽ làm giảm lượng đường trong máu.

Thùy Dương

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/song-khoe/chua-ho-viem-hong-hieu-nghiem-bang-gung-d98747.html