Chưa hết ngộ độc tập thể đã phải lo ngộ độc mạn tính!

SGTT.VN - Sáng 16.4, tại Metro Bình Phú quận 6 – TP.HCM, ban chỉ đạo liên ngành TP.HCM về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm 2013.

Có mặt tại lễ phát động, TS Lê Trường Giang, chủ tịch hội Y tế công cộng TP.HCM, chia sẻ: “Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung đang đối phó với một trong những vấn đề lớn về VSATTP, đó là tình trạng chuyển từ ngộ độc tập thể liên quan đến vệ sinh sang ngộ độc trên số đông người do liên quan đến an toàn. Đó là tình trạng ngộ độc mạn tính, âm thầm diễn ra từ ngày này sang ngày khác nhưng việc kiểm soát lại không dễ chút nào vì liên quan đến nhiều khâu, từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến cho đến vận chuyển”.

Nội tạng thối bị cơ quan chức năng phát hiện ngày 10.4. Ảnh: TTO

TP.HCM đã có biện pháp nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Bên cạnh những biện pháp thường quy, thời gian qua thành phố đã tìm ra được một con đường đó là kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu. Điều này vừa giúp nhà sản xuất chân chính yên tâm với những nguyên liệu đầu vào để cho ra sản phẩm tốt, vừa khống chế được hành vi cho ra những nguyên liệu độc hại. Muốn làm được điều này chúng ta phải hình thành chuỗi thực phẩm. Vừa qua, Chính phủ đã giao cho TP.HCM thực hiện đề án quản lý thực phẩm theo chuỗi. Nếu làm đúng tiến độ, vào năm 2015 TP.HCM sẽ quản lý được nhiều chuỗi thực phẩm an toàn với thị phần lớn, góp phần làm co hẹp lại thị phần của những sản phẩm độc hại.

Nói đến ngộ độc mạn tính, người ta rất lo chuyện sử dụng phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm, và điều này thường gắn liền với chợ hóa chất Kim Biên?

Phụ gia không chỉ được bán ở Kim Biên mà còn ở khắp nơi trong thành phố. Tuy nhiên, thực tế là đến nay chúng ta vẫn chưa quản lý tốt việc kinh doanh, mua bán sản phẩm này dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị định quản lý. Ở đây chúng ta thiếu một chuyện mà tôi hay nói ví von “trận Xích Bích thiếu gió Đông”, đó là không có quy định “phụ gia thực phẩm chỉ được sản xuất, kinh doanh và chế biến trong các cửa hàng thực phẩm”. Do không có quy định này, nên ở chợ Kim Biên người ta bán phụ gia mà người dân không thể phân biệt đâu là phụ gia dùng trong chế biến thực phẩm và phụ gia dùng cho mục đích khác. Cơ quan chức năng không xử lý được vì người ta kinh doanh hợp pháp. Theo tôi, chỉ cần Chính phủ bổ sung thêm quy định trên, cũng giống như quy định thuốc tây chỉ được bán trong nhà thuốc tây, thì khi đó chúng ta mới có cơ sở và khả năng quản lý phụ gia tốt.

Nỗi lo VSATTP đâu chỉ là ngộ độc mạn tính mà còn là những căn bệnh lây truyền qua động vật...

Thế giới hiện nay rất sợ những dịch bệnh mới nổi, mà thời sự nhất hiện nay là cúm H7N9. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là virút cúm cuối cùng mà chỉ là sự báo hiệu về một loại virút rất nguy hiểm trong tương lai. Qua thống kê những dịch bệnh mới nổi, người ta thấy 80% dịch bệnh này xuất phát từ động vật. Do đó khái niệm dự phòng, bảo vệ sức khỏe cho con người hiện nay đã thay đổi. Trước đây, ngành y tế chú trọng vận động, tuyên truyền, giáo dục cho từng con người và xã hội bảo vệ sức khỏe cho cá nhân. Khái niệm này vẫn đúng, vẫn cần thiết nhưng không còn đủ nữa mà phải bổ sung một điều quan trọng: muốn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cho con người thì phải bắt đầu từ việc kiểm tra, giám sát, phòng ngừa các dịch bệnh trên động vật. Nhưng ai quản lý động vật? Đó là ngành nông nghiệp. Điều đó đòi hỏi phải có một sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa y tế và nông nghiệp.

Phan Sơn

Gần 24% mẫu thức ăn đường phố không hợp vệ sinh

Tại buổi phát động “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm 2013, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc sở Y tế TP.HCM, cho biết nhờ nỗ lực phối hợp của nhiều ban, ngành, tình hình VSATTP trên địa bàn thành phố đã từng bước được cải thiện. Cụ thể, qua điều tra của chi cục An toàn thực phẩm thành phố trong năm 2012, tỷ lệ người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đạt chuẩn là 77% (tỷ lệ cả nước 74%) và người tiêu dùng gần như đã biết nói không với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, bày bán ở những nơi không bảo đảm VSATTP. Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu thực phẩm giám sát không đạt lại là 9,84%, đặc biệt có đến 23,7% mẫu thức ăn đường phố không đạt VSATTP. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 25.991 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền 13,2 tỉ đồng và tiêu hủy 19.392 tấn thực phẩm, gia súc, gia cầm tang vật.

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết, tuy số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm có giảm trong năm 2012 nhưng quy mô số người bị ngộ độc thực phẩm theo từng vụ tăng. Ngoài ra, TP.HCM cũng đối mặt với nhiều thách thức như chưa kiểm soát tốt việc kinh doanh, sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc từ các tỉnh vào thành phố vẫn chưa được kiểm soát 100%, vì thế nếu không có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp và mạn tính cho người dân thành phố vẫn còn tồn tại.

P.S

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/176838/chua-het-ngo-doc-tap-the-da-phai-lo-ngo-doc-man-tinh.html