Chưa định được suất đầu tư cho đường cao tốc Bắc-Nam

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nóng lòng muốn đưa dự án đường bộ cao tốc phía Đông đoạn TPHCM-Hà Nội trình ra Quốc hội. Song vấn đề là dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị và chưa định được suất đầu tư cho một ki lô mét đường loại này là bao nhiêu tiền.

Nhiều đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 hiện hành đã quá tải nên Chính phủ muốn đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Ảnh:TL

Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đối tác công-tư (PPP) với chiều dài 1.372 km và tổng mức đầu tư xấp xỉ 230.000 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước dự kiến chiếm 40,7%.

Vấn đề đặt ra là suất đầu tư cho một km đường cao tốc của dự án này là bao nhiêu. Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) thì suất đầu tư sẽ được xây dựng theo quy định hiện hành của Chính phủ, đặt trong mối so sánh với các dự án có vốn ODA hay các dự án hiện đang triển khai, rút kinh nghiệm từ dự án mở rộng Quốc lộ 1 và sẽ qua nhiều vòng thẩm tra. Tuy nhiên, con số cụ thể là bao nhiêu thì đến nay chưa có câu trả lời.

Còn theo đại diện của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), suất đầu tư đường cao tốc cao hay thấp phụ thuộc vào từng dự án, công trình. Như dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai có suất đầu tư khoảng 6 triệu đô la Mỹ/km, dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có suất đầu tư khoảng 12 triệu đô la Mỹ/km. Nhưng dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành thì đắt hơn gấp 3 lần dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình, với suất đầu tư lên đến 25,8 triệu đô la Mỹ/km.

Theo lý giải của VEC, tại dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, trong tổng số 58 km có tới 20km cầu, trong đó có hai cây cầu dây văng lớn là Bình Khánh và Phước Khánh áp dụng công nghệ cao nên suất đầu tư này vượt lên hẳn.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hộ gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã từng đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các phân kỳ đầu tư, song các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải trình toàn bộ dự án hoàn chỉnh, trên cơ sở đó mới xem xét, chứ không chấp nhận trình phân kỳ.

Ông Phạm Hữu Sơn nói rằng: “Thiết kế cao tốc hoàn chỉnh mà phân kỳ đầu tư là bài toán khó. Làm dự án hoàn chỉnh thì dễ nhưng phân kỳ đầu tư sẽ khiến giá đầu tư ban đầu cao hơn vì phải tính giải phóng mặt bằng, làm cốt nền hoàn chỉnh cho giai đoạn đầu tư sau này”.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153139/chua-dinh-duoc-suat-dau-tu-cho-duong-cao-toc-bac-nam.html/