Chưa đến lúc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Giữa tuần trước, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “xanh mướt” trong vài phiên giao dịch trước tin đồn về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo ước tính của một công ty chứng khoán, giả sử Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tiền đồng từ mức 3% xuống còn 1,5% thì lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể tăng thêm 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của người viết, NHNN chưa cần làm điều này.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang ở mức thấp và mang nhiều trọng trách

Dự trữ bắt buộc là số tiền mà các ngân hàng thương mại (NHTM) phải dự trữ dưới dạng tiền mặt hoặc tiền gửi tại Ngân hàng Trung ương, được tính bằng một tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền gửi theo quy định. Mục đích của dự trữ bắt buộc là nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản của các NHTM. Đồng thời, thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHNN có thể hút bớt hoặc bơm thêm tiền cho thị trường, từ đó tác động đến thanh khoản của hệ thống, lãi suất, lạm phát, đầu tư, tăng trưởng kinh tế...

Tại Việt Nam, sau khi công cụ thị trường mở được hình thành và phát triển, NHNN đã giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp và tương đối ổn định trong gần năm năm qua. Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang áp dụng đại trà là 3% (kỳ hạn dưới một năm), 1% (kỳ hạn từ một năm trở lên) với tiền đồng (VND) và 8% (kỳ hạn dưới một năm), 6% (kỳ hạn từ một năm trở lên) với ngoại tệ. Tỷ lệ này đã giảm rất mạnh so với giai đoạn đầu năm 2008 (11% đối với tiền gửi VND ngắn hạn). Tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam hiện cũng rất thấp so với các nước trong khu vực (ví dụ Trung Quốc là 17%, Indonesia 6,5%, Lào 5%, Ấn Độ 4%, Malaysia 3,5%).

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khó giải quyết được các mục tiêu ngắn hạn mà NHNN mong muốn, mà ngược lại, nó có thể phát đi thông điệp không phù hợp.

Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, Thông tư 20/2010/TT-NHNN ngày 29-9-2010 còn quy định áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND chỉ bằng 1/20 mức thông thường đối với tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn từ 70% trở lên, hoặc bằng một phần năm mức thông thường đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn từ 40% đến dưới 70%. Trên thực tế, đã có những TCTD đáp ứng yêu cầu và được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cực thấp như Agribank, LienVietPostBank, Kienlongbank, MDB (đã sáp nhập vào HDBank), MHB (đã sáp nhập vào BIDV).

Cấu trúc phức tạp của tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam cho thấy công cụ này không chỉ thực hiện hai vai trò lớn là đảm bảo thanh khoản và quản lý cung tiền mà còn là: (1) Phối hợp đồng bộ với công cụ lãi suất để chống đô la hóa; (2) Khuyến khích dòng vốn vào lĩnh vực tín dụng ưu tiên. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện tại khá thấp và đủ chênh lệch để thực hiện nhiệm vụ chống đô la hóa và nắn dòng vốn. Nhưng nếu tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (đại trà) xuống mức thấp hơn nữa (1-2% hoặc 0%) thì e rằng nhiệm vụ nắn dòng vốn sẽ không thể thực hiện. Còn nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về cùng một mức (như BIDV kiến nghị hồi tháng 4-2016) thì nhiệm vụ chống đô la hóa cũng biến mất.

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chưa chắc ảnh hưởng tích cực đến lãi suất và tăng trưởng tín dụng

Cuối tháng 4-2016, BIDV đã kiến nghị với Thủ tướng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về cùng một mức là 1% nhằm giải phóng nguồn vốn, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Tin đồn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuất hiện trong tháng 10 có lẽ cũng xoay quanh câu chuyện giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và Quốc hội nhắc nhiều thời gian gần đây.

Nếu mục tiêu của việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng trưởng tín dụng thì chưa chắc mang lại hiệu quả. Thanh khoản hiện nay rất dồi dào nhưng các ngân hàng khó đẩy vốn ra nền kinh tế mà chủ yếu đem gửi trên thị trường liên ngân hàng và mua trái phiếu chính phủ. Đến hết tháng 9-2016, tín dụng tăng trưởng 11,74%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm nay, tín dụng phải tăng bình quân ít nhất 2%/tháng trong quí 4. Mặc dù NHNN nhận định có thể đạt được mục tiêu này nhưng cũng sẽ gặp nhiều trở ngại: (1) Tín dụng bất động sản và các dự án BOT, BT giao thông chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ nhưng đang bị NHNN yêu cầu siết chặt; (2) Tín dụng nông, lâm, ngư nghiệp được khuyến khích và có mức tăng trưởng cao (11,55% trong tám tháng đầu năm) nhưng quy mô chỉ chiếm khoảng 10,2% tổng dư nợ; (3) Nhiều ngân hàng đang dư vốn nhưng tỏ ra thận trọng khi quyết định cho vay sau bài học tăng trưởng nóng các năm trước đây, đồng thời cũng phải san sẻ nguồn nhân lực để xử lý nợ xấu; (4) Dù được giải phóng nguồn vốn khi được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì nhiều ngân hàng cũng khó tăng mạnh cho vay do hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) thấp và hệ số LDR (cho vay/huy động) thuần cao. Hạn chế này ngày càng lớn hơn vì mới đây BIDV đã phải chia cổ tức tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu để tăng vốn. VietinBank có lẽ cũng sẽ theo bước BIDV.

Theo lẽ thường, khi thanh khoản tốt, tăng trưởng tín dụng khó khăn thì lãi suất phải giảm. Nhưng thực tế nhiều tháng qua, lãi suất (cả huy động và cho vay) chỉ có một đợt giảm đáng lưu ý từ các ngân hàng gốc quốc doanh. Dù không công bố nhưng ai cũng hiểu đó là sự nỗ lực điều hành của NHNN. Vấn đề của lãi suất cho vay hiện không được quyết định bởi thanh khoản mà ở chi phí và hiệu quả của các TCTD. Nợ xấu cũ khó thu, nợ xấu mới phát sinh thêm, vừa phải trích lập dự phòng rủi ro vừa phải trả lãi huy động, nếu giảm lãi suất cho vay thêm nữa thì ngân hàng khó thể có lãi. Tiền đang thừa chưa biết “đẩy” vào đâu, nên nếu có thêm một khoản từ việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì cũng chẳng giải quyết được gì nhiều.

Khả năng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đại trà khó xảy ra

Các phân tích trên cho thấy tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện đang có sự hợp lý của nó. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng khó giải quyết được các mục tiêu ngắn hạn mà NHNN mong muốn, ngược lại, nó có thể phát đi thông điệp không phù hợp. Lạm phát tại Việt Nam khá cao và biến động mạnh, đồng thời việc quản lý rủi ro thanh khoản chưa chuyên nghiệp nên vai trò của dự trữ bắt buộc khá quan trọng. Chỉ số CPI theo năm đã tăng liên tục từ mức đáy 0% vào tháng 10-2015 lên 3,34% vào tháng 9-2016, dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 4-5% vào cuối năm nay. Đà phục hồi của giá cả hàng hóa trên thế giới sẽ còn ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, chưa tính đến các tác động xấu của thời tiết và ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh ấy, NHNN sẽ phải rất thận trọng nếu muốn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vì khi đó sẽ phát đi tín hiệu nới lỏng tiền tệ, gây lo ngại về lạm phát và tỷ giá, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, khả năng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đại trà là khó xảy ra.

Thay vào đó, NHNN có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số trường hợp cụ thể liên quan đến quá trình tái cơ cấu như quy định trong Nghị định 23/2015/TT-2015 ban hành ngày 4-12-2015.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153096/chua-den-luc-giam-ty-le-du-tru-bat-buoc.html/