Chưa có kịch bản giá điện trình Chính phủ vì còn chờ ... giá than

Trao đổi với Dân Việt ngày 24.3, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, do giá than đã tăng nên phương án tính giá điện trước đây đã “lạc hậu”, cần kiến nghị Bộ Công Thương “đàm phán” lại với ngành than trước khi trình kịch bản giá điện của năm 2017.

Chưa có kịch bản tăng giá điện năm 2017

Có thể phải thay đổi kịch bản

Cụ thể, đại diện EVN cho rằng, việc lên kịch bản giá điện cho năm 2017 là dựa trên giá than cũ nhưng mới đây ngành than đã tăng giá, làm thay đổi giá đầu vào của điện. Do đó, trước mắt phải “đàm phán” với ngành than về giá bán than cho điện. Trong trường hợp ngành than không điều chỉnh lại giá bán than cho điện, thì EVN cũng phải điểu chỉnh lại kịch bản giá điện năm 2017 cho phù hợp bởi giá đầu vào của điện đã tăng.

Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25.3. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý phấn đấu giảm thêm tỉ lệ tổn thất điện năng để giảm chi phí, giá thành theo hướng giảm tối đa tổn thất thương mại và phấn đấu giảm tổn thất kỹ thuật; xác định lộ trình để phấn đấu cắt giảm 7,5%-10% chi phí thường xuyên của cả tập đoàn.

Tại cuộc họp Công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Bộ Công Thương tổ chức ngày 20.1, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, do chưa xây dựng xong giá điện cơ sở, do đó các tháng đầu năm 2017 chưa điều chỉnh giá điện.

Ông Tuấn cho rằng, việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, Bộ Công Thương xây dựng giá điện cơ sở. Ví dụ, với giá điện 2017 căn cứ vào tính toán qua kết quả kiểm tra của 2015 và kết quả ước thực hiện 2016, kế hoạch sản xuất điện 2017.

Tuy nhiên, muốn biết có tăng giá điện trong năm 2017 hay không cần căn cứ vào các yếu tố như: Có biến động đầu vào như chi phí nhiên liệu, biến động tỉ giá, biến động tỷ lệ nguồn điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện trên thị trường điện. Nếu các chi phí này cao hơn 7% trở lên trong năm 2017 thì sẽ tiến hành điều chỉnh giá điện. “Hiện chưa có đầy đủ giữ liệu giá cơ sở nên chưa điều chỉnh giá điện trong năm 2017”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN cho biết, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24.12.2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.

Theo kế hoạch 2017 EVN đặt ra, đối với điện sản xuất và mua 197,2 tỷ kWh tăng 11,4% so với năm 2016, đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Điện thương phẩm 177,59 tỷ kWh tăng 11,5% so với năm 2016. Tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN là 7,6%; năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 8-10% so với năm 2016; giảm 5-10% chi phí (không kể chi phí khấu hao cơ bản)… EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017-2020 và phê duyệt Quyết định tăng vốn điều lệ của EVN lên 205.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện cần cân nhắc để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và chỉ số lạm phát

Rất băn khoăn với giá điện

Trao đổi với Dân Việt, GS.TS. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết, việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng tới các ngành sản xuất bởi điện là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Việc giá điện tăng bao nhiều thì cần tính toán lại yếu tố đầu vào, trong đó giá than đã tăng thì chắc chắn cần phải tính toán lại thật cụ thể.

Theo ông Long, trong các thành tố tạo lên giá điện có 4 thành phần chính gồm: Giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá dịch vụ phụ trợ. Trong đó thành phần giá phát điện phải mua từ các nguồn điện chiếm tỉ lệ áp đảo khoảng 60 – 70% tới việc tăng giá điện. Nguyên nhân là có giá than, dầu, khí và tỉ giá hối đoái. Nếu giá các mặt hàng này tăng thì chi phí giá điện cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Ông Long cũng phân tích, hiện EVN còn vay vốn đầu tư từ nước ngoài, nếu tỉ giá hối đoái thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng tới giá điện. “Tất nhiên, việc giá điện tăng bao nhiêu cũng cần chờ EVN đưa ra, khi đó mới có thể bình luận thêm được”, ông Long nói.

Còn TS. Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện năng lượng cho rằng: Việc xây dựng kịch bản cho giá điện năm 2017 chắc chắn phải phụ thuộc vào các yếu tố sản xuất đầu vào.

Trong đó, hiện chỉ thấy có giá than tăng nhưng việc than tăng giá cần phải xem lại vì sao tăng. Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng nhiên liệu của thế giới đang giảm như xăng, dầu, khí…nên giá các mặt hàng nhiên liệu của Việt Nam cũng phải theo giá của thế giới.

Ngoài ra, mặt hàng điện còn phục thuộc vào nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn cung cấp từ thủy điện vẫn chiếm khá lớn mà sản lượng điện từ thủy điện lại đang được “ủng hộ” từ lượng mưa tăng so với mọi năm.

Ông Hiến cũng cho rằng, giá điện được điều chỉnh thời điểm gần nhất là tháng 3.2015 với mức tăng mạnh tới 7,5%. Từ đó đến nay giá điện chưa điều chỉnh để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội nên nếu điều chỉnh lần này, các cơ quan chức năng cũng phải tính lại toàn thật cụ thể bởi tăng giá điện không chỉ ảnh hưởng tới chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội mà còn tác động tới chỉ số lạm phát.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/van-chua-co-kich-ban-gia-dien-trinh-chinh-phu-vi-con-cho-gia-than-755961.html