Chưa có chuẩn sức khỏe cho phi công

Do chưa có bộ tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái máy bay do Bộ Y tế ban hành nên việc kiểm tra sức khỏe cho lực lượng này đang có nhiều bất cập; có lúc, người có huyết áp cao vẫn được lái máy bay

VN đã có 7 hãng hàng không, trong đó có 4 hãng đang hoạt động khai thác thương mại với vài trăm chuyến bay mỗi ngày. Để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay, Luật Hàng không dân dụng VN quy định người lái máy bay phải đáp ứng được tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ Y tế ban hành. Thế nhưng, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành bộ tiêu chuẩn sức khỏe phi công chính thức để làm căn cứ khám tuyển và giám định sức khỏe cho đội ngũ này. Tiêu chuẩn... “liên hợp quốc” Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN (HKVN), cho biết hàng không dân dụng VN được tách ra từ Lực lượng Không quân của Bộ Quốc phòng nên các tiêu chuẩn của người lái đều áp dụng chung với phi công quân đội. Do đặc thù của người lái máy bay quân sự và máy bay thương mại rất khác nhau nên từ những năm 90 của thế kỷ trước, vấn đề tiêu chuẩn sức khỏe cho phi công lái máy bay thương mại được đặt ra. Năm 2000, Cục HKVN có văn bản số 1906/QĐ-CHK thừa nhận các tiêu chuẩn về hàng không của châu Âu (JAR FCL3) và yêu cầu áp dụng tạm thời tại VN. Đến năm 2006, mới có được bộ tiêu chuẩn sức khỏe tương đối hoàn thiện được Cục HKVN đưa vào áp dụng. Tài liệu này được biên soạn và trình bày theo kết cấu bộ tiêu chuẩn sức khỏe của hàng không dân dụng Liên Xô cũ và chọn lọc một số nội dung trong các đề tài nghiên cứu khoa học trước đó. Từ năm 1993, hàng không dân dụng VN đã có tiêu chuẩn khám tuyển và giám định sức khỏe phi công nhưng không phải bộ tiêu chuẩn chính thống do cơ quan có thẩm quyền là Bộ Y tế ban hành như quy định. Về mặt nội dung, đây có thể xem là một tiêu chuẩn... “liên hợp quốc” vì pha trộn các tiêu chuẩn của phi công quân đội, phi công thương mại Liên Xô cũ, phi công châu Âu. Vì vậy, hàng chục năm qua, phi công dân dụng vẫn phải thi tuyển sức khỏe đầu vào với những bài thử rất nặng. Tiêu chuẩn này, giới chuyên môn đánh giá là chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thể lực và trí lực của người VN. Trước năm 2009, cơ sở y tế duy nhất có thẩm quyền giám định và cấp chứng chỉ y tế hàng không cho phi công bay tại VN là Trung tâm Y tế (TTYT) - Cục HKVN. Không thống nhất cơ sở pháp lý Năm 2008, TTYT đã giám định sức khỏe cho 449 lượt phi công VN và 268 lượt phi công nước ngoài theo hợp đồng đã ký giữa trung tâm và Vietnam Airlines (VNA) nhưng từ tháng 8-2009, TTYT dừng thực hiện hợp đồng vì hai bên không thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc này. Phía VNA cho biết lý do của sự trục trặc này là TTYT không thực hiện giám định theo đúng bộ tiêu chuẩn sức khỏe tạm thời của Cục HKVN, cụ thể là tiêu chuẩn của JAR FCL3. Có đến 9 trong tổng số 15 hạng mục được TTYT làm cao hơn tiêu chuẩn JAR FCL3. Chẳng hạn, JAR chỉ yêu cầu chụp X-quang ngực trong lần đầu, sau đó, có chỉ định của bác sĩ mới chụp nhưng TTYT yêu cầu tất cả phi công của VNA phải chụp X-quang mỗi năm một lần hoặc tự động kiểm tra chất gây nghiện trong khi hợp đồng giữa hai bên không thỏa thuận... Đáng lưu ý là nhiều phi công nước ngoài lái thuê cho VNA đã từ chối chụp X-quang trong các đợt giám định sức khỏe vì thấy máy móc của TTYT quá cũ. Họ cũng thiếu tin tưởng vào trình độ của bác sĩ trung tâm vì không đạt trình độ chuyên khoa cấp 1, không được nhà chức trách chỉ định, ủy quyền hoặc được phê chuẩn là giám định viên như theo yêu cầu của Bộ Y tế. Mới đây, đã có 2 phi công thực hiện đầy đủ các đợt kiểm tra định kỳ sức khỏe 6 tháng/lần tại TTYT nhưng không kịp thời phát hiện các bệnh hiểm nghèo, đến khi biến chứng mới biết và không thể chạy chữa. Một nội dung đang gây bàn cãi là JAR quy định phi công có huyết áp 160 mmHg vẫn được lái máy bay. Đối với thể trạng người VN, đây là mức huyết áp quá cao, không bảo đảm an toàn khi làm nghề nguy hiểm như lái máy bay. Sau nhiều tranh cãi, gần đây, chỉ số này mới được điều chỉnh xuống 140 mmHg. Ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng Giám đốc VNA, cho biết hiện nay, các hãng hàng không VN đang thiếu phi công trầm trọng nhưng VNA có 2 phi công là cơ trưởng Boeing 777 và cơ trưởng ATR không được bay chỉ vì khi giám định có huyết áp cao. Trong quá trình điều trị, huyết áp của 2 phi công này đã ổn định nhưng không ai dám ký cho bay vì không có cơ sở pháp lý để áp dụng.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2010082911386647p0c1050/chua-co-chuan-suc-khoe-cho-phi-cong.htm