Chưa có ai bị xử phạt vi phạm hành chính qua lương

Nghị định 166/2013 quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính qua khấu trừ thu nhập, tiền lương đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 28/12/2013. Hiện chưa có cán bộ, công chức nào bị xử phạt bằng cách khấu trừ qua lương, còn Bộ Công an vẫn đang tiến hành xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Theo quy định của Nghị định 166, các cá nhân và tổ chức bị xử phạt do vi phạm hành chính nhưng đã quá thời hạn chấp hành mà không tự nguyện nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế bằng cách khấu trừ thu nhập, tiền lương, tài khoản ngân hàng thậm chí kê biên tài sản.

Đối tượng bị cưỡng chế bằng thu nhập, tiền lương, tài khoản ngân hàng là người đang làm việc được hưởng tiền lương, thu nhập tại một cơ quan, đơn vị hoặc được hưởng BHXH. Còn với những cá nhân làm việc tự do, không được hưởng lương, thu nhập tại một cơ quan hay đơn vị nào thì sẽ bị xem xét cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phải nộp phạt để bán đấu giá.

Bên cạnh đó, nếu các cá nhân, tổ chức quản lý tiền lương của người vi phạm hành chính không thực hiện khấu trừ thì tổ chức tín dụng sẽ thông báo và không cần sự đồng ý của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mà tự động trích chuyển tiền.

Dù Nghị định này đã được thi hành từ cuối tháng 12 nhưng theo đại tá Trần Thế Quân - Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, tính đến chiều 17/1 thì chưa có trường hợp cán bộ, công chức nào bị áp dụng xử phạt hành chính khấu trừ qua lương và thu nhập. Theo ông, hầu hết cá vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đều chủ động tới nộp phạt, nên có vẻ quy định này ra đời chỉ để đảm bảo việc thực thi xử phạt có hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng. Mà ở Việt Nam, cứ phải chờ đến văn bản ở tầng cuối cùng thì mới thực hiện được. Từ hỗ trợ học phí, cấp phép game online cho đến xử phạt vi phạm trong hoạt động quảng cáo, phạt mũ bảo hiểm dỏm, đều đã từng lâm vào cảnh “nằm chờ dài cổ”. Tại diễn đàn kỳ họp lần thứ 6 của Quốc hội khóa 13, nhiều ĐBQH có chung một nhận xét: “hy hữu” chỉ có ở Việt Nam là Luật ra đời phải chờ Nghị định, Thông tư mới thực hiện được! Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai bình luận: “hầu hết luật đều chậm đi vào cuộc sống vì dù được thông qua và đã ban hành rồi, nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn”.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/chua-co-ai-bi-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-qua-luong