Chữa bệnh suy tĩnh mạch chi dưới không cần mổ

Các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương vừa thực hiện điều trị thành công cho 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu Nghị bị suy tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp laser nội mạch phối hợp tiêm xơ bọt. Đây là 3 bệnh nhân đầu tiên được thực hiện phương pháp này tại Bệnh viện Hữu Nghị.

Ê-kip các bác sĩ thực hiện laser nội mạch tại Bệnh viện Hữu Nghị (ảnh K.Q)

Th.S, BS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung Ương cho biết, cả 3 bệnh nhân được can thiệp vào ngày 7.12. Các bệnh nhân đều trên 75 tuổi, đã bị suy tĩnh mạch chi dưới hơn chục năm và chịu nhiều biến chứng như phù khi đi lại nhiều, chuột rút, đau bắp chân, ngứa, chàm, eczema, loét cẳng chân.

Ngay sau khi can thiệp, bệnh nhân đã có thể rời giường bệnh, đi lại bình thường và hoàn toàn không để lại di chứng gì. Các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương đang chuyển giao kỹ thuật laser nội mạch cho khoa Can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Hữu Nghị - nơi có tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì suy tĩnh mạch chi dưới khá cao. Sau khi được chuyển giao, nhiều bệnh nhân tại đây sẽ được điều trị bằng phương pháp này do chính các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị thực hiện.

Theo BS Trung Anh, hiện nay có khoảng 25-30% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới. Phần lớn, bệnh nhân là nữ giới từ 35 tuổi trở lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Suy tĩnh mạch chi dưới do hệ thống van ở tĩnh mạch bị tổn thương dẫn đến sự trào ngược của dòng máu hướng tâm gây hiện tượng phù nề, ứ máu ở hai chân, loét chân. Trước đây, không có phương pháp điều trị hữu hiệu, bệnh nhân thường được tư vấn mang tất y khoa để hạn chế biểu hiện bệnh.

Nguyên lý điều trị của phương pháp laser nội mạch này là dùng nhiệt từ ánh sáng laser có bước sóng 1470 nm để làm teo tĩnh mạch bị giãn. Bác sĩ phẫu thuật viên sẽ luồn que đốt laser vào trong lòng tĩnh mạch. Sau khi bật nguồn, tia laser đốt được đưa vào vị trí cần can thiệp và kéo dần ra khiến 2 thành tĩnh mạch dính liền với nhau.

Theo BS Trung Anh, với phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần gây tê vị trí tĩnh mạch can thiệp. Mặt khác, với việc thực hiện bằng tia laser bước sóng 1470, phản ứng phụ giảm đi rất nhiều, bệnh nhân có thể đứng lên, đi lại ngay sau khi can thiệp: “Ưu điểm của phương pháp là tỷ lệ thành công cao (trên 95%), ít tái phát và biến chứng sau can thiệp. Bệnh nhân không phải gây mê hay gây tê tủy sống. Bệnh nhân không cần nằm viện, có thể vận động ngay sau can thiệp và nhanh chóng trở lai cuộc sống bình thường. Do đó, phương pháp này đặc biệt thích hợp với bệnh nhân tuổi cao. So với phương pháp phẫu thuật kinh điển trước đây là ngoại khoa, rút bỏ các tĩnh mạch giãn (áp dụng rộng rãi trong 10 năm trước) thì laser nội mạch thật sự mang lại hiệu quả, lợi ích hơn nhiều nên chắc chắn sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai”. – BS Trung Anh chia sẻ.

Phương pháp laser nội mạch đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng các bệnh viện áp dụng phương pháp này còn hạn chế. Bệnh viện Lão khoa Trung ương là bệnh viện công đầu tiên thực hiện phương pháp này. Ê- kíp can thiệp tĩnh mạch của Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã phối hợp, hỗ trợ triển khai chuyển giao kỹ thuật này tại Bệnh viện 354, đơn vị điện quang can thiệp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đơn vị điện quang can thiệp Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên. Trong tương lai, ê-kíp sẽ tiếp tục triển khai kỹ thuật này tại các bệnh viện khác trong khu vực Hà Nội và các tỉnh xung quanh để nhiều bệnh nhân mắc bệnh được điều trị.

Vũ Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-duc-y-nghiep/chua-benh-suy-tinh-mach-chi-duoi-khong-can-mo-619234.bld