Chưa bao giờ Pep khó hiểu như thế

Giới chơi Fantasy League (bản classic) ở Việt Nam từng than thở với nhau về Man City mùa giải này rằng “John Stones toàn bị mất điểm vì Man City không sạch lưới”. Và ở trận thắng Watford giữa tuần vừa rồi, Man City đã sạch lưới, với John Stones trên băng ghế dự bị…

1. Phải nói thẳng rằng, John Stones là một hậu vệ giỏi. Anh không phải kẻ bất tài, không phải nơi để đổ lỗi cho những lần Man City bị thủng lưới, một cái lỗi thuộc về hệ thống.

Ở trận thắng Watford, cặp trung vệ là Kolarov và Otamendi, một cặp trung vệ khá kỳ dị mà vốn dĩ chúng ta chỉ tưởng tượng ra trong trường hợp Man City không còn trung vệ nữa. Nhưng Pep sử dụng cặp trung vệ ấy, vì ông tin vào khả năng “chơi bóng” của họ. Ông thích mẫu hậu vệ có thể phát động chứ không chỉ biết đánh chặn, tranh chấp tốt… theo kiểu hậu vệ cổ điển thuần túy.

Không cần nhắc lại chuyện cũ, chúng ta đều hiểu, ở Barca lẫn Bayern, Pep đã thành công với những trung vệ như thế. Họ là Puyol, là Boateng (trớ trêu thay, đó là người Man City thải ra).

Nhưng trung vệ thì cứ phải là trung vệ cái đã. Koralov có thể chơi tốt một cách tạm thời ở vị trí trung vệ, trước một đội chiếu dưới như Watford. Còn trước các đối thủ khó, như Arsenal ở cuối tuần này ư? Chưa chắc…

2. Quay trở lại với mùa Hè vừa rồi, Pep không hề có động thái mua sắm nào cho hàng hậu vệ, nơi mà ông luôn muốn xây dựng trước nhất. Pep thích một đội hình dâng cao, các trung vệ biết “điều bóng” một cách khôn ngoan. Chắc ông nhận ra tố chất ấy ở John Stones nên ông cho rằng chỉ cần thay đổi ở vị trí thủ thành là đủ. Và Mangala phải ra đi, theo dạng cho mượn; Denayer cũng vậy. Trong tay Pep chỉ còn lại đúng Stones, Otamendi và một Kompany đang bị hành hạ bởi chấn thương. “2 người rưỡi” cho 2 vị trí trung vệ, đó là một mạo hiểm quá lớn.

Là một người thận trọng, không ngờ Pep lại chấp nhận rủi ro đến vậy. Chắc ông nghĩ Yaya Toure có thể bị điều về hàng thủ, giống như ông từng làm với anh ở Barca cách đây gần 8 năm? Nhưng mối quan hệ đổ vỡ, và Yaya mãi sau này mới được ra sân trở lại. Kỳ lạ thay, khi hàng thủ có vấn đề và Yaya đã xin lỗi Pep rồi, ông cũng vẫn không đẩy anh xuống đá trung vệ bên cạnh John Stones. Cách làm ấy ít ra cũng tạo ra sự chắc chắn và nó thỏa mãn ông ở chỗ Yaya là người có khả năng phát động cực tốt. Nhưng có lẽ, khi hai bên dàn hòa với nhau, Pep cũng không muốn mang tiếng là người thích “trù dập” Yaya nên không đưa anh về hàng thủ ngay cả lúc đang cần kíp nhất chăng?

Đến lúc này, thực sự hàng thủ Man City vẫn là một nỗi lo cực lớn đối với Guardiola cũng như những ai hâm mộ đội bóng áo xanh thành Manchester. Và không ai có thể nhìn ra được hướng giải quyết, dù là tạm thời, cho nỗi lo ấy cả.

3. Thực tế, Pep rất giỏi về chiến thuật và mọi bàn luận về chiến thuật của ông từ những người ngoại đạo (như tôi) đều là giẻ rách cả. Ông có những tính toán đi trước những người cùng thời rất nhiều và chúng ta phải tin tuyệt đối vào tài năng của vị HLV ấy.

Nhưng dường như Pep đang bối rối, đang căng thẳng và do đó, ông không thể có được bất kỳ cách giải quyết nào tích cực nhất lúc này. Cái cách ông rút John Stones khỏi đội hình chính trước Watford đã cho thấy cái bối rối ấy. Dường như, áp lực ở Man City là quá lớn, bởi khi ông tới, đó không phải là một CLB vĩ đại như Barca hay Bayern và những thành công trong quá khứ của ông khiến ông được trông đợi sẽ thổi ngay một luồng sinh khí mới để Man City lột xác. Và ông đã có những thay đổi kinh ngạc, như việc loại Hart để dùng Bravo. Tiếc cho ông, thay đổi kinh ngạc đó không mang lại sinh khí mới mà người ta mong đợi. Nên áp lực từ sự ngờ vực đang khiến ông trở nên khác hẳn với chính mình, và mất bình tĩnh thực sự.

Trong quá khứ, nhiều người từng chê bai cho rằng Pep thành công chẳng qua ông huấn luyện những đội siêu mạnh. Chính cái chê bai ấy là thứ ám ảnh Pep nhất, để ông luôn ở vào tâm thế phải chứng minh mình, trong khi thực sự ông chẳng cần phải chứng minh gì cả. Và Man City chính là điểm vấp trong sự nghiệp của ông, ít ra là tính đến lúc này, đặc biệt là ở một Premier League mà truyền thông luôn biết tạo ra những câu chuyện nhức óc.

6 Trong 6 lần đối đầu gần nhất giữa 2 đội tại Premier League, đã có 24 bàn thắng được ghi, trung bình 4 bàn/trận.

2 Arsene Wenger mới 2 lần chiến thắng trong 8 lần đối đầu với Pep Guardiola (thắng 2, hòa 2, thua 4), tất cả đều ở Champions League. Còn trên sân khách, ông không thắng trận nào và nhận 3 thất bại.

7 Arsenal đang có chuỗi 7 trận bất bại khi đối đầu với Man City trên mọi đấu trường trong khi Man City chỉ thua 1 trong 11 trận gần nhất trên sân nhà ở Premier League.

23h00 ngày 18/12, sân Etihad, Man City – Arsenal:
Chìa khóa là phản công

Cuộc chạm trán đầu tiên giữa Pep Guardiola và Arsene Wenger tại đấu trường Premier League thực sự khiến người hâm mộ mong mỏi chờ đợi, đặc biệt trong bối cảnh Man City và Arsenal đều cần chiến thắng để tiếp tục bám đuổi Chelsea.

Bước vào trận đấu này, Man City có lợi thế sân nhà nhưng họ lại gặp tổn thất nghiêm trọng ở lực lượng khi Sergio Aguero và Fernandinho bị treo giò còn Ilkay Guendogan vừa dính chấn thương nghiêm trọng. Với Arsenal, họ chỉ thiếu vắng trụ cột duy nhất là trung vệ Shkodran Mustafi.

Với lỗ hổng hàng tiền vệ, nhiều khả năng Man City sẽ tập trung gây áp lực ở hai biên bằng cặp đôi Raheem Sterling và Nolito để tận dụng khả năng chọc khe của Kevin De Bruyne bên cạnh một hàng thủ 4 người sau những trận đấu chật vật với 3 hậu vệ. Còn Arsenal, lối chơi phòng ngự phản công sẽ là một nước đi khôn ngoan của Wenger, nhất là khi Man City chống phản công rất tệ và Alexis cũng rất lợi hại ở phong cách này. Trong quá khứ, Arsenal có không ít trận đấu với kết quả tốt trên sân Etihad khi họ từ bỏ lối chơi giữ bóng để chơi rình rập và chờ đợi phản công.

Dự đoán: 2-2

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/anh/chua-bao-gio-pep-kho-hieu-nhu-the-n20161216231324514.htm