Chủ trương hạn chế xe máy - còn lùi đến bao giờ?

Nếu số lượng xe cứ phát triển như hiện nay mà chính quyền đều không có giải pháp nào, thì ùn tắc sẽ ngày càng nặng và ô nhiễm môi trường.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh mới đây cho biết, sẽ trình UBND TP đề án kiểm soát xe cá nhân, trong đó tính tới lộ trình kiểm soát xe máy dựa trên ý kiến phản biện của người dân vào tháng 10 tới.

Ùn tắc thường xuyên diễn ra ở các đô thị lớn

Còn đề án quản lý phương tiện cá nhân của TP Hà Nội, trong đó có việc “thực hiện cấm xe máy theo lộ trình đến năm 2030 để người dân có thời gian chuẩn bị” cũng đã được đưa ra từ cuối năm 2016. Cách nay gần 7 năm, Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/8/2011, từng ghi rõ: “Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2012".

Tức là Nghị quyết của Chính phủ đã có chủ trương và “thúc giục” cả 2 thành phố về chuyện hạn chế, xây dựng lộ trình cấm hẳn xe máy đã có từ lâu. Có lẽ, giờ là lúc không thể lùi được nữa, không thể chậm hơn nữa, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải hồi tháng 12/2016, đã bày tỏ lo lắng: "Hà Nội đang nhìn thấy thảm họa tiến dần về phía mình mà không biết làm thế nào”.

Bởi các số liệu đã nói lên tất cả.

Hà Nội hiện có khoảng 560.000 ôtô, 5,5 triệu xe máy, tỷ lệ gia tăng của ôtô gần 17%/năm, xe máy tăng gần 8%. Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng của thành phố chỉ gần 4%/năm.

Tới 15/4/2017, TP.Hồ Chí Minh có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó 642.000 xe ô tô, 7,4 triệu mô tô. Trung bình mỗi ngày có thêm 169 ô tô và 816 mô tô được đăng ký mới.

Tức là nếu số lượng xe cứ phát triển như hiện nay mà chính quyền cả 2 thành phố đều không có giải pháp nào, thì ùn tắc ngày càng nặng và ô nhiễm môi trường. Cũng có lẽ, còn là do trong khoảng thời gian mấy năm từ lúc có Nghị quyết số 88 năm 2011 của Chính phủ đến nay, chúng ta gặp phải quá nhiều những ý kiến bàn lùi, thậm chí “phá ngang”, mang đậm “mùi vị” dân túy trên truyền thông của một số nhà quản lý, nhà chuyên môn.. Cụ thể, họ đưa ra những ý kiến mang tính chất hoặc quy chụp, cắt xén câu chữ cho chủ trương “hạn chế và tiến tới cấm xe máy theo lộ trình”, hoặc “mị dân” khi đổ tại sự nghèo (!).

Như PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông - ĐH Bách Khoa TP.HCM) phát biểu: “Cứ mỗi lần có đề xuất cấm xe máy là lại có nhiều ý kiến bàn lùi vì lo ảnh hưởng đến người nghèo nên chính quyền lại chùn tay. Việt Nam bây giờ không còn là một nước nghèo nữa. Phải từ bỏ tư duy đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”, và “Tôi đã nói suốt 15 năm nay rồi, vấn đề bây giờ là bắt tay vào thực hiện”.

Chuyên gia giao thông - TS Lương Hoài Nam cũng nói: “Lộ trình hạn chế rồi cấm xe máy không phải để làm hại người nghèo, mà ngược lại, để mang lại cho họ một nền giao thông an toàn, tiện nghi và tiết kiệm hơn. Sao không hy sinh một chút thói quen để chính quyền có không gian, điều kiện (và cả áp lực) phát triển các loại phương tiện giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh mà lại ít tốn tiền hơn so với xe máy?”.

Đã đến thời khắc không thể lùi hơn nữa, phải thực hiện ngay đi thôi.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chu-truong-han-che-xe-may-con-lui-den-bao-gio-post192935.html