Chủ tịch xã bị kiểm điểm vì chợ không phép

Ông Tạ Văn Ngon, Bí thư Đảng ủy xã Long Thượng (huyện Cần Giuộc, Long An), cho biết xã này vừa kiểm điểm chủ tịch UBND xã Long Thượng vì buông lỏng quản lý để hình thành nhiều khu dân cư tự phát trên địa bàn xã.

Liên quan đến sự việc này, hai cán bộ địa chính - xây dựng của xã Long Thượng cũng bị buộc thôi việc.

Xã Long Thượng giáp ranh TP.HCM. Gần đây nhiều hộ dân từ TP.HCM tìm đến đây mua đất, xây nhà ở. Từ năm 2014 ở xã này mọc lên rất nhiều dãy nhà trên đất nông nghiệp, không hệ thống cống thoát nước, điện tự câu nối, đường nội bộ là đường đất.

Điều đáng nói là trong tháng 8-2016, ông Đoàn Trang Hữu Duy (ấp Tân Điền, xã Long Thượng) tự ý san lấp đất nông nghiệp để phân lô, xây nhà phố kinh doanh. Ông Duy còn xây một cái chợ rộng gần 1.000 m 2 rồi gọi mời tiểu thương vào buôn bán nhằm “hút” những người có nhu cầu. Cái chợ to đùng ung dung hình thành như thế khiến người dân hoài nghi chủ đầu tư có “mối quan hệ mật thiết” với chính quyền địa phương.

Đầu tháng 11-2016, ngôi chợ không phép tại ấp Tân Điền, xã Long Thượng đã bị tháo dỡ còn trơ khung sắt. Ảnh: ND

Từ đơn thư tố cáo của người dân, chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc đã chỉ đạo kiểm tra làm rõ. Kết quả kiểm tra cho thấy ở xã này có 30 điểm phân lô, dân cư tự phát, tổng diện tích trên 8,5 ha. Các cơ quan chức năng cũng lập biên bản đình chỉ thi công nhiều công trình và buộc tháo dỡ “chợ ông Duy” để khôi phục hiện trạng ban đầu. Đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của chủ tịch UBND xã Long Thượng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Long Thượng, cho rằng theo Luật Xây dựng 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) thì các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không phải xin giấy phép xây dựng. Riêng cái chợ thì ban đầu ông Duy có xin phép làm nhà tạm che bạt để đậu xe ben, xe xúc đất nhưng rồi biến tướng thành chợ...

Ông Trần Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, cho biết thêm theo quy hoạch sử dụng đất huyện Cần Guộc đến năm 2020 thì đất nông nghiệp ven đường giao thông nông thôn đều được quy hoạch thành đất ở. Nắm được chủ trương trên, một số nhà đầu tư đến mua đất rồi nhờ dân địa phương làm hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất. Sau đó, người đầu tư hợp thửa, phân lô, xây nhà bán khiến tốc độ đô thị hóa quá nhanh. “Cứ như thế dẫn đến tình trạng nhà ở nông thôn xây cất san sát nhau, không đảm bảo chất lượng công trình, kết nối hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ... Chúng tôi đang gặp bối rối, chưa biết giải quyết ra sao” - ông Thanh nói.

Nguồn PLO: http://plo.vn/bat-dong-san/chu-tich-xa-bi-kiem-diem-vi-cho-khong-phep-666705.html