Chủ tịch UBND ủy quyền, cấp phó phải trực tiếp ra tòa

Mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có văn bản giải đáp một số vướng mắc liên quan đến việc áp dụng quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015 (LTTHC 2015) và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015).

Đáng chú ý, theo Chánh án TAND Tối cao, đối với những trường hợp người bị kiện là UBND hoặc chủ tịch UBND thì chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch UBND đại diện tham gia tố tụng. Phó chủ tịch UBND không được ủy quyền lại cho người thứ ba tham gia tố tụng.

Văn bản của Chánh án TAND Tối cao giải thích rõ: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 104/2015 (về việc thi hành LTTHC 2015). Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/2016 (hướng dẫn thi hành một số quy định trong Nghị quyết số 104/2015 nói trên và Nghị quyết số 103/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS 2015). Hai văn bản này đều quy định đối với các vụ án hành chính được tòa án thụ lý trước ngày 1-7-2016, đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng kể từ ngày 1-7-2016 tòa án mới mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì phải áp dụng khoản 3 Điều 60 LTTHC 2015 về người đại diện theo ủy quyền.

Đối với trường hợp trước ngày 1-7-2016, người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ủy quyền cho người khác không phải là cấp phó của mình đại diện thì kể từ ngày 1-7-2016, tòa án cần yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó chấm dứt việc ủy quyền này. Đồng thời, tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức có văn bản ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện để tham gia tố tụng theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 60 LTTHC 2015.

Bên cạnh đó, trong án dân sự, khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó. Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định.

Trường hợp việc xem xét hủy quyết định dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì TAND cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho TAND cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó. Chẳng hạn ông A khởi kiện ra TAND huyện X (tỉnh Y) yêu cầu tòa buộc ông B phải trả lại đất mà trước đó ông A cho ông B mượn. Khi giải quyết vụ án, TAND huyện X nhận thấy trong thời gian mượn đất, ông B đã có hành vi gian dối làm thủ tục để được UBND huyện X cấp giấy đỏ. Như vậy, để giải quyết yêu cầu của ông A thì phải xem xét hủy giấy đỏ của ông B, đồng thời phải đưa UBND huyện X vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp này, theo khoản 4 Điều 32 LTTHC 2015 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án cấp tỉnh. Do vậy, TAND huyện X phải chuyển vụ án dân sự trên cho TAND tỉnh Y giải quyết và xem xét hủy giấy đỏ mà UBND huyện X đã cấp cho ông B.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/chu-tich-ubnd-uy-quyen-cap-pho-phai-truc-tiep-ra-toa-658944.html