Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Dứt khoát không để chợ cóc tồn tại

Chiều 9-3, Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội về công tác bảo đảm ATTP thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo.

Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ công tác ATTP; cùng giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã...

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo tại hội nghị.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Hà Nội hiện có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và 15 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp; có 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công; khoảng 1.047 điểm, hộ giết mổ nhỏ, lẻ thủ công. Toàn TP có 454 chợ, 124 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại. Diện tích rau an toàn của TP là 5.500 ha/12.000 ha. Sản xuất thực phẩm của TP đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, số còn lại được nhập khẩu và đưa về từ các tỉnh khác.

Trong năm 2016, UBND TP đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung hoạt động và giải pháp ATTP. Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, tháng hành động; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở; nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh; ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh khu vực kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP của thành phố còn một số khó khăn, tồn tại. Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội còn diễn ra; việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn; sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã vẫn chưa mạnh mẽ; số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc...

Trên cơ sở đó, trong năm 2017, BCĐ công tác ATTP TP đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường nhân lực quản lý nhà nước về ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất chế biến nông-lâm sản, thủy sản...; phát triển các vùng rau an toàn, mô hình sản xuất an toàn; tăng cường quản lý việc giết mổ gia súc, gia cầm; quản lý việc thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm ATTP tại các chợ, siêu thị...

Tiếp đó, đại diện của 12 quận, huyện và các sở, ngành đã báo cáo về kết quả thực hiện công tác bảo đảm VSATTP trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở đã xây dựng quy trình sản xuất an toàn trong trồng rau, lúa và chăn nuôi lợn, gà, bò, trâu; gửi danh mục chất, thuốc bảo vệ thực vật cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến thực phẩm tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đã có 100% doanh nghiệp và 88.800 hộ kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đầu năm 2017, qua kiểm tra 22.064 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên toàn thành phố, nhìn chung, các cơ sở này đã đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm VSATTP trong sản xuất, kinh doanh.

Là khu vực trung tâm có tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ nhanh, quận Hoàn Kiếm xác định bảo đảm VSATTP là nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm 2016, BCĐ ATTP quận đã kiểm tra hơn 6.700 cơ sở, xử lý nhắc nhở 1.058 cơ sở, xử phạt 170 cơ sở với số tiền trên 450 triệu đồng.

"Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, một số chợ truyền thống hiện nằm ở tầng hầm của các trung tâm thương mại nên điều kiện bảo đảm vệ sinh môi trường rất kém, đặc biệt vào những ngày thời tiết bất lợi. Ngoài ra, có tình trạng người dân ngại vào mua bán trong tầng hầm các trung tâm thương mại, đây cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh chợ xanh, chợ cóc", Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn nêu thực trạng.

Trên cơ sở đó, ông Dương Đức Tuấn kiến nghị TP cần rà soát, có giải pháp khắc phục song song với đầu tư mới các chợ, có mô hình chợ mới thích hợp hơn, tuyệt đối không để phát sinh chợ cóc.

Lãnh đạo một số quận, huyện khác cũng đề cập đến những tồn tại trong quản lý, bảo đảm ATTP hiện nay như: tình trạng kinh doanh gia súc, gia cầm sống, hàng nhập lậu, hàng giả, trong đó có thực phẩm chức năng, còn nhiều; kết quả phân tích các mẫu thực phẩm được lấy từ các chợ tại xe test nhanh còn chậm; khó khăn trong xử lý hành chính, phạt và tiêu hủy hàng hóa vi phạm....

Kiên quyết rút giấy phép nếu không đủ đạo đức kinh doanh

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc, thực hiện nghiêm và có hiệu quả của các cấp, các ngành với các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn. Đặc biệt, BCĐ thành phố đã thực hiện tốt việc phân công, phân nhiệm cho từng đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân và có sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra. Số vụ việc vi phạm được xử lý tương đối lớn, trên diện rộng. Ngoài ra, TP cũng đã nhập khẩu nhiều trang thiết bị hiện đại áp dụng trong kiểm tra ATTP.

Qua ý kiến của lãnh đạo nhiều sở, ngành, quận, huyện, Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền để chuyển biến nhận thức cho người dân; áp dụng các biện pháp tin học, công nghệ để người dân tiếp cận được các địa điểm cung cấp thực phẩm sạch. Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm cần phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

"Phải kiên quyết rút giấy phép, kể cả rút giấy phép vĩnh viễn, nhất là với các trường hợp không đủ đạo đức kinh doanh. Trong quản lý các chợ, cần tăng cường rà soát, kiên quyết đóng cửa các quầy hàng, các chợ không bảo đảm môi trường vẫn kinh doanh sản phẩm tươi sống... Những việc này phải được triển khai kiên quyết, đưa vào kế hoạch hàng năm và cuối năm có kiểm điểm từng việc một", Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Dứt khoát không để chợ cóc tồn tại

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng BCĐ công tác ATTP TP, tiếp tục quán triệt một số nội dung.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị thành viên BCĐ, lãnh đạo các quận, huyện tiếp tục làm tốt công tác thống kê, yêu cầu tất cả DN, cá nhân kinh doanh, sản xuất, nuôi trồng, vận chuyển, chế biến thực phẩm...trên địa bàn TP phải đăng ký xuất xứ hàng hóa.

Sở Công thương chủ trì cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Hoàng Mai, Gia Lâm, Phú Xuyên... tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm điều kiện vệ sinh tại các cơ sở giết mổ tập trung và hơn 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn.

"Vào thời điểm giao mùa như hiện nay, đề nghị Sở Y tế phối hợp cùng các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra bếp ăn của các trường học, khu công nghiệp..., không để xảy ra ngộ độc thực phẩm", Chủ tịch lưu ý.

Về vấn đề ngộ độc chết người liên quan đến rượu chứa methanol vượt quá hàm lượng quy định, Chủ tịch UBND TP cho rằng, lỗi này trước tiên thuộc về Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng cảnh sát kinh tế, môi trường của TP đã lơi lỏng công tác thanh tra, kiểm tra sau Tết. Đồng chí đề nghị Chi cục QLTT và các quận, huyện tăng cường kiểm tra để xử lý, không để tiếp tục xảy ra tình trạng này. Đồng thời,Chủ tịch yêu cầu CATP khẩn trương điều tra vụ việc trên tinh thần xử lý, truy tố nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về mô hình chợ truyền thống kết hợp với trung tâm thương mại, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đánh giá, có nhiều nguyên nhân khiến mô hình này hoạt động không hiệu quả, trong đó một phần do người tiêu dùng chưa có thói quen vào những nơi này mua bán. Với những chợ truyền thống còn lại, các quận, huyện sẽ sớm rà soát và bố trí kinh phí sửa chữa, kịp hoàn thành trong năm nay. Bởi nếu chợ tốt thì các khâu kiểm soát VS ATTP sẽ dễ dàng và tốt hơn.

"Hà Nội quản lý chợ xanh và dứt khoát không để tồn tại chợ cóc trên địa bàn. Để làm được việc này, chúng ta cần đồng hành tuyên truyền, vận động người dân không mua thực phẩm từ chợ cóc, kết hợp với kế hoạch bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè, không vì lợi ích của một nhóm người mà gây hậu quả lớn cho xã hội", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/864032/ha-noi-nhieu-kho-khan-trong-kiem-tra-kiem-soat-nguon-goc-thuc-pham