Chủ tịch UBND tỉnh: Khoa học và Công nghệ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

(Baonghean) - Trong những năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thành tựu khoa học đã góp phần nâng cao dân trí, đưa ra những nhận thức mới, cung cấp luận cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ở tỉnh ta, năm 2016, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN hướng mạnh đến các doanh nghiệp và cơ sở. Trong năm, toàn tỉnh có 85 đề tài, dự án KH&CN triển khai thực hiện do sở quản lý và triển khai, 5 dự án cấp quốc gia do Trung ương quản lý hiệu quả.

Các hoạt động KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: tiến hành khảo nghiệm, thử nghiệm thành công một số loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt.

Ngoài ra, một số sản phẩm được tập trung nghiên cứu theo chuỗi sản phẩm như trà hoa vàng, cây mú từn, sâm, chanh leo, lúa japonica, cam...

Nhiều nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản... được triển khai.

Nghệ An đã sản xuất thành công giống chanh leo. Ảnh: Thành Duy

Trong năm, ngành cũng đã tập trung bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen thực vật, vật nuôi, thủy sản. Nguồn gen nhiều loại cây trồng, vật nuôi quý hiếm đã được bảo tồn, khai thác và phát triển như: cây mú từn tại huyện Quế Phong, trà hoa vàng, đẳng sâm, sâm Puxailaileng...

Các kết quả điều tra đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; đánh giá nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu tại Vườn quốc gia Pù Mát và đề xuất biện pháp bảo tồn, khai thác hợp lý... nhằm phục vụ công tác khai thác và phát triển nhanh các nguồn gen thành sản phẩm thương mại, tập trung khai thác các nguồn gen có đặc điểm quý, giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, tạo ra một số sản phẩm đặc thù, chủ lực của từng địa phương phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa được triển khai.

Lĩnh vực Y - Dược đã nghiên cứu, làm chủ và phát triển một số kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh: ghép thận, mổ tim hở, ghép tủy hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ung thư, kỹ thuật nối chi thể rời,... Nghiên cứu và thực nghiệm về các loài dược liệu quý có tiềm năng thương mại của Nghệ An; các mô hình bệnh tật nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân...

Lĩnh vực CNTT tập trung nghiên cứu một số phần mềm ứng dụng có hiệu quả như: hệ thống đảm bảo an toàn thông tin cho cổng thông tin điện tử tỉnh; mô hình ứng dụng chữ ký số; áp dụng CNTT hướng tới Chính phủ điện tử; áp dụng dịch vụ công mức độ 3, 4...

Năm 2016, Câu lạc bộ sáng chế Nghệ An chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, hỗ trợ phát triển phong trào sáng tạo, cải tiến khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các sáng chế, giải pháp hữu ích và công nghệ mới, qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Cùng với đó, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận chứng, cơ sở khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh, giúp cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Điển hình như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế tỉnh; Giải pháp thu hút sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài;... là căn cứ khoa học quan trọng để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp đặc biệt xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Nhân giống lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô tại Trung tâm sản xuất giống thuộc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Ảnh tư liệu

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động KH&CN vẫn còn hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng đúng mức; đóng góp trực tiếp cho ra các sản phẩm mới, trở thành hàng hóa còn ít; vấn đề quản lý KH&CN còn lúng túng, đặc biệt ở các ngành và cấp huyện,...

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KH&CN.

Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI của Đảng về phát triển KH&CN đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

KH&CN là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đó, hoạt động KH&CN trong thời gian tới tập trung vào một số định hướng trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, chính sách và chủ trương của Đảng, Nhà nước về KH&CN ở các cấp, các ngành nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của KH&CN trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước.

Đặc biệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Thứ hai, tổ chức các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN theo hướng gắn với ứng dụng thực tiễn, gắn với doanh nghiệp, tạo được một số sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, khối lượng lớn và thương hiệu mạnh từ KH&CN.

Ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Nghệ An, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, dược liệu và công nghiệp dược.

Chú trọng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nhằm tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học, dự báo phát triển và góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa và con người xứ Nghệ.

Thứ ba, đổi mới công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ và bảo tồn, phát triển quỹ gen; điều tra, nắm vững tình hình công nghệ của doanh nghiệp, kết nối cung cầu công nghệ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ ở tất cả các doanh nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh và sản xuất sạch. Triển khai thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm Nghệ An.

Phát hiện, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền giống cây trồng, trên cơ sở đó thương mại hóa tài sản trí tuệ. Bảo tồn, khai thác và phát triển đa dạng sinh học, quỹ gen quý hiếm nhằm phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên miền Tây Nghệ An, nhất là các loại dược liệu.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới...

Thứ năm, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN. Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu của các ngành, các cấp. Phát huy có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Áp dụng cơ chế quỹ và cơ chế khoán chi để nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN.

Sàng lọc, lựa chọn, ưu tiên những đề tài nghiên cứu, dự án thử nghiệm thiết thực, có chất lượng cao, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống và sản xuất của doanh nghiệp, nhân dân. Thu hút đầu tư, phát huy tiềm lực, xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các viện, trường trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Thứ bảy, chú trọng phát triển tiềm lực KH&CN để có đủ năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ, thiết bị tiên tiến, nghiên cứu KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển; đẩy mạnh công tác truyền thông về KH&CN.

Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 xác định xây dựng tỉnh, thành trung tâm KH&CN của vùng Bắc Trung bộ. Để đạt mục tiêu đó, đòi hỏi về quyết tâm chính trị, sự đầu tư cao hơn nữa về nguồn lực của tất cả các cấp các ngành, sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tỉnh nhà.

Nguyễn Xuân Đường

(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201705/ky-niem-ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-185-chu-tich-ubnd-tinh-khoa-hoc-va-cong-nghe-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-phat-trien-2809363/