Chủ tịch UBND tỉnh: Cần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không tích cực thoát nghèo

Chiều 16/11, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn để nghe và cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và các Ủy viên BTV huyện Kỳ Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện đạt từ 8-9%. Bình quân thu nhập đầu người đạt 15 triệu người/năm. 95% dân số của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó vẫn còn gần 10.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 65,57%.

Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, thiên tai liên tục nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kết quả khá. Mô hình trồng lúa lai Thiên ưu 8 tại xã Hữu Lập, Tà Cạ và Hữu Kiệm đạt trên 50 tạ/ha. Một số mô hình mới đưa vào trồng thử nghiệm như mô hình trồng rau sạch ở Khe Nhinh (xã Hữu Kiệm), chanh leo ở xã Mường Lống, Mỹ Lý, Bắc Lý cho thu nhập khá.

Các cây, con chủ lực là đặc sản của huyện như khoai sọ, bí xanh, dưa Mông, gừng, cây dược liệu bo bo, lợn đen, gà đen… tiếp tục được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hiện tại, huyện đang xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm khẳng định thương hiệu của một số hàng hóa đặc sản trên thị trường. Đặc biệt, nhiều năm liền, huyện Kỳ Sơn không tái trồng cây thuốc phiện.

Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn phát biểu tại cuộc làm việc.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Kỳ Sơn 10 tháng đầu năm đạt 15,89 tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch, tăng 4,95% so với cùng kỳ. Về an ninh trật tự, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã khám phá 153 vụ án, bắt 187 đối tượng. Riêng tội phạm ma túy, Công an huyện đã khám phá thành công 5 chuyên án lớn, thu giữ 18,5 kg hêrôin, hơn 13.000 viên ma túy tổng hợp.

Về những khó khăn tồn tại, đồng chí Nguyễn Thanh Hoàng cho hay, thiên tai liên tiếp thời gian qua đã làm thiệt hại nhiều tài sản của dân. Đầu năm rét hại, băng tuyết làm chết 935 con gia súc; giữa năm mưa đá, lốc xoáy làm tốc mái 145 nhà dân; do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, số 3, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng, một số tuyến đường bị sạt lở, chia cắt, như: tuyến Mường Xén - Mường Típ - Mường Ải.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng trình bày báo cáo tại cuộc làm việc.

“Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, kết quả còn khiêm tốn, hiện còn 13 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tranh chấp đất đai một số điểm còn phức tạp, phải tổ chức giải quyết nhiều lần. Tiến độ xây dựng và giải ngân một số chương trình, công trình chậm. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn ở một bộ phận cán bộ và người dân” - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thẳng thắn thừa nhận.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đề nghị, UBND tỉnh bố trí kinh phí cấp xây dựng trụ sở làm việc UBND xã Hữu Lập đã bị điện chập cháy trụi với số tiền 5 tỷ đồng và kinh phí xây dựng nhà trực ban Quân sự, Công an xã với số tiền 700 triệu đồng.

Kỳ Sơn đạt được nhiều bước tiến trong kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn thị trấn Mường Xén có hơn 20 hộ kinh doanh giết mổ tự do, nước thải chảy tràn lan trên các trục giao thông. Cử tri phản ánh nhiều qua các lần tiếp xúc, huyện cũng đang lập dự án xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung nhưng thiếu nguồn nên đề nghị tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí nâng cấp đường giao thông Huồi Tụ - Keng Đu để đảm bảo người dân có thể đi lại trong mùa mưa, do đây là tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn; bố trí kinh phí xây dựng trụ sở làm việc UBND xã Tây Sơn, trước đây đã được đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận đề xuất.

Kỳ Sơn đến nay vẫn còn khoảng 258 phòng học tạm, 12 trường học chưa có chỗ ở hoặc chỗ ở còn tạm bợ, ngoài chỗ ở, các công trình phụ trợ khác như nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, trang thiết bị… vẫn chưa có. Việc tổ chức ăn ở cho học sinh bán trú gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện Kỳ Sơn đề nghị UBND tỉnh ưu tiên dành đầu tư xây dựng phòng học mới.

Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Văn Thanh phát biểu tại cuộc làm việc.

Tại buổi làm việc, lành đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã đưa ra nhiều góp ý, đề xuất cũng như chỉ ra những hạn chế của huyện Kỳ Sơn. Theo ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công thương, Kỳ Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển hàng hóa, đặc biệt là trong nông nghiệp như chè Shan Tuyết nên cần phải tìm nhà đầu tư để nâng cao giá trị các sản phẩm.

"Đề nghị phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác để thu mua sản phẩm. Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư để giúp huyện tham gia các hội chợ thương mại nhằm triển khai tốt hơn nội dụng này" - ông Tám nói.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải kiến nghị, UBND tỉnh cần có cơ chế riêng cho Kỳ Sơn. Ví dụ như cho hưởng nguồn thu cho một nhà máy thủy điện trên địa bàn. Qua đó, huyện chủ động nguồn trong xây dựng nông thôn mới, trường học, trạm xá...

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Tám phát biểu tại cuộc làm việc.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng của huyện Kỳ Sơn trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, Kỳ Sơn đạt được 7 kết quả nổi bật, đặc biệt là về quốc phòng - an ninh cũng như công tác đối ngoại với nước bạn Lào.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện cao, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ. Huyện Kỳ Sơn cũng làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là chuyển biến trong giáo dục...” - đồng chí Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh.

Ngoài những mặt được, theo Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Kỳ Sơn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới còn chưa tốt, vẫn còn nhiều tồn tại phải lưu ý như giải ngân một số chương trình còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, dự kiến cuối năm còn khoảng 62%, cao nhất tỉnh. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn tồn tại trong cán bộ và nhân dân. Nhiều hộ không tích cực thoát nghèo….”, đồng chí Nguyễn Xuân Đường chỉ rõ.

Gừng là sản phẩm có thế mạnh của Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Từ thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, Kỳ Sơn cần tập trung vào 3 việc đáng quan tâm nhất. Đó là đảm bảo an ninh - quốc phòng trên toàn tuyến biên giới; cần phải xác định sớm thoát khỏi huyện nghèo, chậm phát triển, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của huyện cho đến hết nhiệm kỳ.

Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đề nghị: "Các đồng chí xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tình hình, đặc điểm địa hình, địa chất, phong tục tập quán của người dân. Làm sao để đạt được hiệu quả và nhân rộng ra, giúp nhân dân thoát nghèo".

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, Kỳ Sơn cần tập trung nâng cao nhận thức cho người dân vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Tại buổi làm việc, phần lớn các kiến nghị của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về chủ trương, giao các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu để triển khai.

Tiến Hùng - Thành Duy

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201611/chu-tich-ubnd-tinh-can-xoa-bo-tu-tuong-trong-cho-y-lai-khong-tich-cuc-thoat-ngheo-2755710/