Chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 2 - 3 lần/năm

Đó là thông tin được đưa ra tại phiên họp ngày 15/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: TN

Theo Ủy ban Kinh tế, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, công tác thu hồi, đền bù thiếu minh bạch và thiếu hợp lý tại cơ sở gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu tận thu, tận diệt chưa được kiểm soát chặt chẽ do sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách.

Nhắc lại vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, chứng tỏ công tác quản lý đất đai có vấn đề. “Quan trọng nhất để cho dân thấy chính sách của ta là đúng và có trách nhiệm. Khi tình huống tương tự xảy ra thì xử lý thế nào? Đối thoại với dân ra sao. Nếu tình hình căng mà đối thoại với dân chậm thì bất lợi, càng kéo dài thì càng tạo cơ hội cho thế lực thù địch”, ông Tỵ nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì cho rằng, đất đai chỉ như một sự kiện chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn tại đất đai. Bởi nếu ta giải quyết tốt, giải trình thuyết phục thì không đến nỗi như vừa rồi.

“Có phải do thiếu luật pháp, và có thiếu đến mức dân phản đối như vậy không? Tôi cho rằng không phải như vậy mà do cách thực thi của chúng ta”, bà Phóng đề nghị, chú trọng đến trách nhiệm của cơ sở xem đã vào cuộc thực sự chưa.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, sở dĩ tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp là do công tác tiếp dân, đối thoại không được những người đứng đầu thực hiện nghiêm túc, thường xuyên.

“Theo Luật Tiếp công dân thì Chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp công dân mỗi tháng một lần, nhưng qua giám sát chúng tôi thấy rằng Chủ tịch tỉnh chỉ tiếp 2 - 3 lần một năm, sau đó lại giao cho Phó chủ tịch tiếp, mà mỗi lần lại một Phó chủ tịch khác nhau. Do đó chất lượng giải quyết công việc thông qua tiếp công dân rất hạn chế”, bà Hải nói.

Thậm chí, theo bà Hải, “khi giám sát ở một số huyện, xã, chúng tôi đề nghị đưa lịch tiếp công dân ra thì nhiều nơi không có lịch”. Trong khi, công tác tiếp dân rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết ý kiến, kiến nghị, khiếu nại của người dân.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/chu-tich-tinh-chi-tiep-dan-2-3-lannam_t114c1159n119025