Chủ tịch SHN: 'Lên sàn' là một cách quảng bá doanh nghiệp hiệu quả

Theo chia sẻ của ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã SHN), những công ty đủ điều kiện niêm yết trên thị trường thường được ngầm hiểu là những doanh nghiệp tốt. Theo đó, đây cũng là một cách làm giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Đinh Hồng Long, TGĐ Công ty CP Đầu tư tổng hợp Hà Nội

Ông đánh giá như thế nào về kênh huy động vốn trên TTCK hiện nay?

Tôi cho rằng, theo thời gian, vai trò của TTCK như một kênh huy động vốn của nền kinh tế đang ngày một rõ ràng.

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho thấy, năm 2015, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt gần 290 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 28% vốn đầu tư toàn xã hội, tăng cao so với giai đoạn trước đó khoảng dưới 23%. Điều quan trọng hơn, thông qua TTCK, các dòng vốn ngắn hạn của nhà đầu tư đã chuyển thành vốn dài hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp bằng việc giao dịch các công cụ vốn.

Là Tổng giám đốc của doanh nghiệp đã niêm yết trên TTCK khá lâu, theo ông đâu là những lợi ích và khó khăn của doanh nghiệp khi muốn huy động vốn trên kênh này?

Nói về lợi ích thì rất nhiều. Một trong những lợi ích lớn nhất là việc doanh nghiệp có thể huy động vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện từ việc phát hành cổ phiếu. Chỉ bằng cách này, doanh nghiệp mới có thể tìm kiếm được nguồn tài trợ vốn cho các dự án lớn, mà nếu ở quy mô doanh nghiệp sở hữu cá nhân, gia đình… thì sẽ rất khó để có thể tìm kiếm đủ nguồn vốn mà không chịu áp lực rủi ro về chi phí lãi vay, áp lực lãi suất…

Việc chủ động trong sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình.

Ngoài ra, để được “lên sàn”, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất - kinh doanh cũng như các nguyên tắc trong quản trị... Do đó, những công ty đủ điều kiện niêm yết trên thị trường thường được ngầm hiểu là những doanh nghiệp tốt. Theo đó, đây cũng là một cách làm giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu, từ đó ảnh hưởng tốt trở lại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc niêm yết cũng có nhiều thách thức, trước hết ở trách nhiệm sinh lời với cổ đông. Làm lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, thông thường phải lựa cách hạch toán sao cho lợi nhuận doanh nghiệp có tính ổn định cao. Nếu doanh nghiệp cứ nay lỗ lớn mai lãi lớn, hoặc nhiều năm không có lợi nhuận rồi một năm hạch toán lợi nhuận cao ngất… thì cũng khiến cổ đông gặp rủi ro về giá, chưa kể hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường có thể bị sa sút vì điều đó. Thêm vào đó là việc yêu cầu về quản trị sẽ khắt khe hơn về yêu cầu minh bạch.

Khi trở thành công ty đại chúng, đặc biệt là khi niêm yết, mỗi doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về công bố thông tin và những quy chuẩn về báo cáo trên TTCK. Minh bạch chính là cách tốt nhất để lấy niềm tin của cổ đông.

Theo ông, trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách cần làm gì để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn trên kênh này một cách hiệu quả hơn?

Tôi cho rằng, để phát huy hiệu quả huy động vốn của các doanh nghiệp trên TTCK nhiều hơn nữa, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là việc tăng cường minh bạch thông tin trên TTCK. Khi thông tin được đến với nhà đầu tư một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời…, nhà đầu tư sẽ có đầy đủ căn cứ để ra quyết định đầu tư hơn. Điều này là gốc rễ của vận hành thị trường hiệu quả, nơi đồng tiền thông minh tìm tới những địa chỉ sinh lời hấp dẫn hơn.

Thứ hai là tăng các công cụ, sản phẩm trên thị trường chứng khoán. Việc đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán sẽ giúp doanh nghiệp có thêm công cụ để huy động vốn, nhà đầu tư có thêm cơ hội để sinh lời ngay cả khi thị trường đi xuống, từ đó giúp nhà đầu tư gắn bó hơn với thị trường. Gặp giai đoạn nhà đầu tư bi quan, quay lung với thị trường thì ngay cả doanh nghiệp có dự án hiệu quả cũng có thể sẽ bị khó huy động vốn.

Thứ ba là tăng cường công tác truyền thông, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, và nâng hạng thị trường để thu hút nhiều hơn nữa nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Khi có đa dạng hóa các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong công tác huy động vốn. Và đó cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp hào hứng hơn với việc niêm yết.

Điểm cuối cùng là tăng cường giám sát doanh nghiệp, bao gồm chất lượng doanh nghiệp niêm yết và chất lượng hiệu quả sử dụng vốn sau phát hành; xử lý các trường hợp sai phạm trên TTCK. TTCK là thị trường của niềm tin, nên nếu không làm tốt điều này, nhà đầu tư sẽ không dám gắn bó với TTCK nữa.

Mới đây, SHN thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABG). Ông đánh giá như thế nào về tương lai SHN sau giao dịch này?

Năm 2015, khi CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Geleximco trở thành đối tác chiến lược tái cấu trúc HNX, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Geleximco đã cam kết sẽ hỗ trợ SHN vực dậy sau tái cấu trúc. Và như bạn đã thấy, SHN đã lột xác hoàn toàn sau giai đoạn này nhờ việc được hỗ trợ các cơ hội kinh doanh.

Về thương vụ phát hành cổ phiếu để hoán đổi với cổ đông ABG, tuy việc hoán đổi này không làm phát sinh dòng tiền mới cho SHN, nhưng lại ngay lập tức làm tăng quy mô vốn chủ, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường quy mô bảng cân đối cũng như khả năng tăng trưởng doanh thu lợi nhuận từ công ty ABG. Đặc biệt, sau thương vụ này, SHN chính thức trở thành công ty thành viên của Geleximco, được khai thác quỹ dự án rất lớn của Tập đoàn. Tôi cho rằng, đó chính là những cơ hội lớn mà cổ đông SHN sẽ nhận được.

Xin cám ơn ông vì những chia sẻ!

Ngọc Bích

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/chu-tich-shn-len-san-la-mot-cach-quang-ba-doanh-nghiep-hieu-qua-304979.html