Chủ tịch QH: Không thông qua Luật Quy hoạch sẽ bỏ lỡ cơ hội cho đất nước

"Nếu dự án Luật Quy hoạch không được thông qua tại kỳ họp 4 thì bỏ lỡ cơ hội cho đất nước, mất nhiều chi phí cho xã hội", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Tiếp theo chương trình làm việc của Phiên họp thứ 14, sáng nay (18/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Nhiều luật cần phải sửa

Dự án Luật Quy hoạch được xây dựng với bố cục gồm 6 chương, 70 điều; quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Quy hoạch.

Trình bày tờ trình bổ sung về dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cho phép sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật khi Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Việc sửa đổi các luật liên quan này được thực hiện theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trình bày báo cáo thẩm tra bổ sung về dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc sửa đổi nhóm 8 luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các luật có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật có liên quan đến hoạt động quy hoạch ngay trong Điều 69 của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Tuy nhiên, qua đối chiếu 24 luật được đề xuất sửa đổi với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 8/6/2017, chỉ có duy nhất Luật Giáo dục đại học có trong Chương trình, còn lại 23 luật chưa có trong Chương trình.

Như vậy, trường hợp Chính phủ đề xuất đưa 23 dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, kết hợp với 22 dự án luật đã có trong Chương trình (chưa kể các dự án nghị quyết, các dự án luật đã có trong Chương trình có thể bị kéo dài hơn so với dự kiến và một số luật Chính phủ dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến đầu tư, kinh doanh…) thì số lượng các luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2018 là rất lớn.

Do vậy, “Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan rà soát kỹ lưỡng các luật cần sửa đổi, bảo đảm chính xác số lượng các luật cần đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tránh tình trạng bỏ sót các luật cần sửa đổi hoặc đề xuất đưa vào Chương trình những luật có nội dung đơn giản về kỹ thuật có thể sửa đổi ngay trong Điều 69 của dự thảo Luật Quy hoạch”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Trước việc có quá nhiều luật cần phải sửa, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ: “Cho đến giờ, chúng tôi ngày càng băn khoăn về chủ trương, hệ thống phát luật chúng ta phát triển theo hướng nào? Ta phải tính chứ không thể để hệ thống luật mất ổn định, nhà đầu tư không yên tâm”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị có thể xem xét dùng một luật sửa nhiều luật vì “sửa từng luật thì lâu quá, có khi mấy năm chả xong”, và nếu được thì giao Chính phủ làm nhưng phải đánh giá tác động thật kỹ.

Nhấn mạnh đây là dự án luật có nhiều ý kiến khác nhau nhất trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình dùng một luật sửa nhiều luật nhưng chỉ với các luật trong một nhóm lĩnh vực nào đó có liên quan, còn luật nào có tính độc lập tương đối cao thì có thể trình Quốc hội sửa.

Bỏ lỡ cơ hội cho đất nước

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định mục tiêu ban hành Luật Quy hoạch nhằm tạo sự đột phá, khắc phục quy hoạch rải rác trong các luật. Ý kiến khác nhau là không tránh khỏi vì luật liên quan nhiều bộ ngành quản lý, rồi vướng nhiều quy định trong nhiều luật chuyên ngành. Tuy vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu dự án Luật Quy hoạch không được thông qua tại kỳ họp 4 thì bỏ lỡ cơ hội cho đất nước, mất nhiều chi phí cho xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp

“Giao Chính phủ rà soát theo đúng yêu cầu của UBTVQH và chủ trương của Trung ương. Các uỷ ban của Quốc hội phải góp ý bằng văn bản rõ ràng. Việc dùng một luật sửa nhiều luật và có luật phải sửa như lưu ý của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu là cần thiết” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh UBTVQH thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật; nhất trí cho rà lại các điều còn ý kiến khác nhau theo hướng “không thể có bước lùi”, tức quy hoạch vùng, tỉnh phải theo quy hoạch quốc gia. Giao Chính phủ thống nhất quản lý về quy hoạch và Bộ KH-ĐT giúp Chính phủ, còn các bộ khác sẽ do Chính phủ phân công chứ luật không quy định cụ thể.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2018 dự án luật sửa nhiều luật liên quan quy hoạch; kèm theo đó là dự thảo Nghị quyết chuyển chuyển tiếp với tinh thần các luật, quy hoạch đã có hiệu lực thì có hiệu lực đến hết 31/12/2020, để gắn với cả giai đoạn phát triển KTXH của đất nươc, còn từ 2021 theo một quy hoạch mới.

Thường vụ Quốc hội cũng quyết tâm giữ nguyên hiệu lực Luật quy hoạch sẽ là từ 1/1/2019, vì thời điểm là cơ sở để bộ ngành địa phương chuẩn bị cho kế hoạch, quy hoạch 5 năm, của giai đoạn mới.

Xuân Lan

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/chu-tich-qh-khong-thong-qua-luat-quy-hoach-se-bo-lo-co-hoi-cho-dat-nuoc-226308.html