Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Hà Nam

Ngày 1-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Hà Nam (1-1-1997 - 1-1-2017) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất (lần thứ hai).

Dự lễ kỷ niệm, có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành T.Ư...

Các đồng chí nguyên Tổng Bí Thư BCH T.Ư Đảng: Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đọc diễn văn khai mạc, ôn lại truyền thống cách mạng và nêu bật những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã nỗ lực phấn đấu trong suốt chặng đường 20 năm. Từ một tỉnh nghèo, Hà Nam đã vươn lên trở thành một tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn. Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm. Năm 2016, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh đạt trên 38 nghìn tỷ đồng, bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng, tăng 23 lần so với năm 1997. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt gần 4.800 tỷ đồng, gấp hơn 65 lần so với năm 1997. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 11,7% trong cơ cấu kinh tế; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 59,7% và dịch vụ chiếm 28,6%.

Nhiều mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả trong nông nghiệp được triển khai sâu rộng. Diện tích các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch là 500ha, hiện đã tích tụ được 200ha đất để bàn giao cho các nhà đầu tư sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2016 đạt trên 7.551 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 4%. Phong trào xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân dồn tâm sức thực hiện. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nông dân được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 59/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được củng cố, phát triển. Các tuyến đường quốc gia, đường tỉnh kết nối ngày càng đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách từ Hà Nam đến các thành phố lớn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, cùng với các tuyến đường thủy, đường sắt tạo thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Bình quân 5 năm (2010 - 2015), số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt 85%.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương những thành tựu nổi bật 20 năm qua mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã đạt được. Đồng thời đề nghị địa phương cần làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là: tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, dược phẩm... Thu hút đầu tư doanh nghiệp các nước công nghiệp phát triển, không tiếp nhận các dự án có hiệu quả thấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu.

Củng cố hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng, giao thông sẽ hình thành trong giai đoạn mới, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế.

Tăng cường kết nối, liên kết mở rộng không gian phát triển với các địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội. Quan tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực cao, đào tạo nghề, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm tốt các cam kết với nhà đầu tư đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị bền vững. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ, chất lượng cao cấp vùng về y tế và giáo dục - đào tạo.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp, dịch vụ làm nền tảng phát triển nhanh và bền vững. Mở rộng hợp tác quốc tế và các địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất. Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm; phát triển mạnh chăn nuôi nông hộ, nhóm hộ theo hướng hợp tác xã kiểu mới gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, xử lý môi trường. Khuyến khích hộ nông dân thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh.

Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chăm lo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt các chính sách giải quyết việc làm, xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững. Thường xuyên quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Tiếp tục củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội bảo vệ an ninh, trật tự, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, tỉnh Hà Nam cần tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Huân chương Độc lập hạng nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31721102-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-du-le-ky-niem-20-nam-tai-lap-tinh-ha-nam.html