CHỦ TỊCH HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM ĐỖ HỒNG QUÂN: 'Bằng tình yêu cao cả với âm nhạc'

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Gặp nhau tại một triển lãm hội họa tại Gallery 39A Lý Quốc Sư - Hà Nội, thấy gương mặt vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân vẫn đang đầy vẻ hưng phấn khi vừa trải qua một công việc đầy ý nghĩa và thành công viên mãn. Đó là Festival (liên hoan) âm nhạc Á - Âu được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12.10 đến 18.10.2016. Vì tính chất quá chuyên sâu của âm nhạc hàn lâm nên Liên hoan đã không được giới truyền thông “tung hô” nhiều như Liên hoan âm nhạc đại chúng “Gió mùa” (Monsoon) vừa được diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long từ ngày 21.10 đến 23.10.2016. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không mang tới bạn đọc những thành công của sự kiện âm nhạc hàn lâm đỉnh cao này. Chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân để chuyển tải những thông tin còn nóng hổi về Liên hoan âm nhạc Á - Âu tới bạn đọc.

Liên hoan âm nhạc Á - Âu bắt đầu được tổ chức từ thời gian nào, thưa anh?

- Liên hoan âm nhạc Á - Âu lần thứ nhất được tổ chức cách đây 2 năm (tháng 10 năm 2014 tại Hà Nội và Hạ Long) là kết quả của việc tham gia vào Liên hoan âm nhạc mới Âu - Á do Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga và Tatarstan tổ chức. Việt Nam tham gia từ năm 2010 với các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam: Nguyễn Lân Tuất, Đỗ Hồng Quân.

Liên hoan lần này có gì khác biệt với lần trước?

- Rút kinh nghiệm lần đầu, lần thứ 2 có sự đặc biệt là kết hợp 2 cuộc Liên hoan quốc tế trong 1 (2 trong 1). Đó không chỉ là Liên hoan âm nhạc Á - Âu mà đồng thời Hội Nhạc sĩ Việt Nam còn đứng ra tổ chức Hội nghị và Liên hoan Hiệp hội các nhà soạn nhạc Châu Á (ACL). Đây là Hội nghị thường niên, mỗi nước tùy điều kiện cho phép sẽ đăng cai luân phiên.

Vì cùng một lúc Tổ chức Liên hoan “kép” nên nhiều vấn đề khó khăn về tổ chức, nhân sự, địa điểm, nghệ sĩ biểu diễn… xuất hiện hàng loạt.

Ưu điểm nổi bật của ta là lòng hiếu khách, chu đáo với bạn bè quốc tế. Cơ sở vật chất tại Hà Nội tương đối tốt (nhà hát, khách sạn…). Nhược điểm là ta chưa có một đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác tổ chức và chuyên môn cho những sự kiện “thuần túy” âm nhạc như thế này.

Thiếu sự liên kết phối hợp giữa các bộ phận: Tập luyện, kết nối với tác giả, diễn viên, xây dựng chương trình biểu diễn…

Đắc cử vai trò Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam 3 khóa liền (từ năm 2005 đến nay), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã là người làm thay đổi toàn bộ hoạt động âm nhạc của Hội theo phương châm khơi dậy sức sống âm nhạc qua nhiều Liên hoan âm nhạc vùng miền trong nước. Không chỉ dừng ở đó, với tinh thần “xả thân bằng tình yêu cao cả với âm nhạc”, Đỗ Hồng Quân đã bằng những hoạt động đối ngoại, mở ra Liên hoan âm nhạc Á - Âu từ năm 2014.

Nữ Nhạc trưởng Mỹ - Zoe Zeniodi - chụp với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Để thực hiện thành công Liên hoan, Hội đã phải vượt qua những khó khăn gì trước khi Liên hoan diễn ra?

- Khó khăn lớn nhất là thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao để thực hiện các công đoạn theo tiến trình từ: Đọc tổng phổ (khoảng 200 tác phẩm do các nhạc sĩ các nước gửi đến), phân loại, lựa chọn những tác phẩm sẽ dàn dựng biểu diễn (đã chọn được gần 100 tác phẩm từ Giao hưởng, Hợp xướng, Hòa tấu thính phòng, Độc tấu cho nhạc cụ…), mời gọi lực lượng nhạc công, dàn nhạc… Số lượng cũng như chất lượng một số nhạc công dàn nhạc còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu biểu diễn tác phẩm mới và trình độ khó về kỹ thuật.

Giải quyết vấn đề nhân lực (nghệ sĩ biểu diễn) là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải và đã giải quyết một cách tốt đẹp. Ban tổ chức quyết định mời 3 solists nổi tiếng của Nga, một chỉ huy người Hy Lạp (Mỹ), hai đôi song tấu từ Tây Ban Nha, một tổ nhạc gõ từ Nhật Bản chung sức cùng các nhạc công Việt Nam thực hiện 11 cuộc biểu diễn tại Hà Nội và Vĩnh Yên.

Còn những khó khăn phát sinh trong Liên hoan, các anh đã ứng phó thế nào?

- Đứng trước những khó khăn (đã dự kiến trước) và phát sinh bất ngờ, ban tổ chức luôn cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ, kể cả các giải pháp về kinh tế đến nhân sự (thay đổi diễn viên, thay đổi dàn nhạc, địa điểm…). Được sự ủng hộ to lớn và vô tư của các nghệ sĩ biểu diễn, đặc biệt là Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam nên mọi khó khăn đã vượt qua một cách ngoạn mục.

Đây là một Liên hoan “kép” như anh nói, vậy cái phần “kép” ấy đã khẳng định được gì?

- Thứ nhất là khẳng định được sự giao lưu giữa hai nền âm nhạc đương đại Á - Âu.

Sự lồng ghép và phối hợp giữa các nghệ sĩ hai châu lục, đặc biệt là bởi các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam để thể hiện những tác phẩm mới đã được Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam tuyển chọn. Đây là những tác phẩm rất đa dạng về hình thức và ngôn ngữ âm nhạc và đạt trình độ kỹ thuật cao về bút pháp dành cho nghệ thuật khí nhạc. Kết quả của sự lồng ghép đó là những chương trình hòa nhạc đặc biệt xuất sắc như: Đêm khai mạc với 5 tác phẩm của 5 nhạc sĩ, đồng thời là 5 nhà chỉ huy tự chơi tác phẩm giao hưởng của mình; hay đêm bế mạc, với sự lồng ghép của những tác phẩm âm nhạc Á - Âu, đặc biệt là trường phái Nga vẫn có một vị trí cao trong nền âm nhạc chuyên nghiệp đương đại, hoạc như tam tấu đàn dây đến từ Moskva đã thể hiện xuất sắc tác phẩm mới của một nhạc sĩ trẻ người Đài Loan và anh ta đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi Nhạc sĩ Trẻ Châu Á lần này.

Trong khuôn khổ Liên hoan còn lồng ghép hai Hội thảo khoa học với chủ để: “Cây đàn bầu Việt Nam” và “Mở rộng giao lưu âm nhạc đương đại Á - Âu”. Cả hai hội thảo đã thu hút hàng trăm nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà chuyên môn về âm nhạc tham gia. Đặc biệt hội thảo giới thiệu về cây đàn bầu Việt Nam và những tác phẩm viết cho đàn bầu. Nhiều nhạc sĩ nước ngoài hỏi về xuất xứ đàn bầu từ Việt Nam hay Trung Quốc? Câu hỏi đã được các NSND Thanh Tâm, NSND Nguyễn Tiến trả lời thỏa đáng, khẳng định tính lịch sử của cây đàn bầu Việt Nam. Điều đáng mừng là đã có 2 nhạc sĩ từ Singapore và Australia lần này viết tác phẩm cho cây đàn bầu.

Tầm vóc của Liên hoan đã cho ta thấy âm nhạc hàn lâm Việt Nam đã làm được gì và cần phấn đấu ra sao?

- Liên hoan lần này là dịp để chúng ta cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh Âm nhạc mới Á - Âu, cũng là dịp để chúng ta “Kiểm đếm” đến lực lượng sáng tác, biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc Chuyên nghiệp - Đỉnh cao - Bác học. Thấy được sự “ngang hàng” của nền âm nhạc mới Việt Nam với các nước Á - Âu.

Bên cạnh đó cũng cho chúng ta những cảnh báo về sự thiếu hụt lực lượng kế cận, thiếu nghệ sĩ, dàn nhạc trình độ cao, thiếu tác phẩm mới, để tiếp tục tham gia vào các Liên hoan Á - Âu theo hướng “dài hơi”.

Ngay trong công việc tổ chức Hội đã rút ra được gì?

- Vì là Liên hoan “kép” nên số lượng các nhạc sĩ, nghệ sĩ đến Hà Nội là đông hơn lần trước. Khối ACL đủ cả 15 nước, có nhiều nhạc sĩ trẻ, tham gia cuộc thi Nhạc sĩ trẻ châu Á. Giải nhất thuộc về nhạc sĩ Taiwan (Po-Chien Liu). Giải nhì thuộc về nhạc sĩ Nhật Bản (Hisataka Nishimori). Giải ba thuộc về nhạc sĩ Philippines (Jonathan M. Domingo). Trong khuôn khổ Liên hoan ACL đã trao hai giải danh dự cho 2 nghệ sĩ trẻ Việt Nam là: Trần Lưu Hoàng - Giải quỹ Irinovà Nguyễn Minh Trang - Giải quỹ Tsang Houei Hsu.

Các bạn quốc tế đánh giá cao công tác tổ chức chuẩn bị cho Liên hoan. Đánh giá cao khả năng biểu diễn của nhạc công Việt Nam. Đặc biệt là Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Đánh giá cao các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam trình bày trong Liên hoan. Mặc dù thời gian có hạn nên một số tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam tự nguyện xin rút để nhường cho các bạn quốc tế.

Liên hoan đã có tác động gì đến giới nhạc sĩ Việt Nam và sẽ thấy những triển vọng thế nào?

- Liên hoan sẽ là đòn bẩy kích hoạt các hoạt động sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình của các nhạc sĩ Việt Nam. Đặc biệt là các nhạc sĩ trẻ - các nghệ sĩ trẻ sẽ có điều kiện hòa nhập vào dòng chảy âm nhạc mới Á - Âu.

Nếu tiếp tục tổ chức Liên hoan lần sau, theo ông, Hội sẽ cần bổ khuyết và hy vọng thành công ra sao?

- Hy vọng với sự ủng hộ của các cơ quan, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, các ngành, các “mạnh thường quân”, 2 năm nữa chúng ta lại có dịp tổ chức Festival Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ 3 tại Việt Nam với nhiều tác phẩm mới, tên tuổi mới, góp phần thúc đẩy nền âm nhạc Việt Nam hòa cùng nền âm nhạc chuyên nghiệp mới của các nước Á - Âu.

Xin cảm ơn anh. Chúc Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn luôn tạo ra những hoạt động âm nhạc đỉnh cao như thế, để nâng cao sức sáng tạo của đội ngũ nhạc sĩ Việt Nam trong tiến trình hội nhập âm nhạc thế giới trong một tương lai không xa.

NGUYỄN THỤY KHA THỰC HIỆN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chu-tich-hoi-nhac-si-viet-nam-do-hong-quan-bang-tinh-yeu-cao-ca-voi-am-nhac-605320.bld