Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội : 'Siêu thị bỏ bán nước mắm truyền thống là tự hại mình'

'Rút nước mắm khỏi siêu thị khi cơ quan chức năng chưa có kết luận là thần hồn nát thần tính, tính chuyên nghiệp kém, sẽ tự mình hại mình', ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết.

Siêu thị Fivimart đã rút nước mắm truyền thống khỏi kệ hàng

Siêu thị Fivimart đã rút nước mắm truyền thống khỏi kệ hàng

Ngày 17.10, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastar) công bố rằng, có tới 67% số mẫu nước mắm nhiễm arsen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép và nước mắm độ đạm càng cao tỷ lệ nhiễm càng cao. Thông tin này gây xôn xao dư luận và nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nước mắm.

Ngay lập tức sau khi thông tin công bố, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng phản đối về tính khoa học của thông tin này. Giới chuyên gia cho rằng, thạch tín vô cơ gây hại còn thạch tín hữu cơ không gây hại và không có quy chuẩn nào đặt ra với thạch tín hữu cơ trong nước mắm.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng chưa hề đưa ra kết luận về tính chính xác của thông tin thì mới đây, một số siêu thị, điển hình như Fivimart đã vội vã gỡ bỏ nhiều nhãn hàng nước mắm truyền thống khỏi kệ hàng của siêu thị mình, gây thêm sự hoang mang cho một số hãng nước mắm truyền thống.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, điều này là vội vã và sẽ “tự mình hại mình”, ảnh hưởng lớn đến doanh số, uy tín của cả nhà cung cấp lẫn của nhà bán lẻ.

“Rút hàng khi cơ quan chức năng chưa có công bố như vậy là thần hồn nát thần tính, tính chuyên nghiệp kém. Nhiều siêu thị họ có rút đâu, chỉ một số siêu thị bị mắc vào chiêu trò thì bị động thôi” – ông Phú nói.

Hơn nữa, theo ông Phú, việc công bố của Vinastar là phạm luật, chức năng đó là của Bộ Y tế chứ không phải của hội này. Hội này có thể tiến hành khảo sát rồi đưa cho cơ quan chức năng thẩm định và công bố.

Theo ông Phú, bài học cho các siêu thị là khi có tin đồn gì thất thiệt, không có cơ sở pháp lý thì phải cảnh giác, đừng rút hàng vội. Điều này không chỉ riêng nước mắm mà phải áp dụng với tất cả mặt hàng.

Bên cạnh đó, ông Phú cho rằng cần phải kiểm soát kỹ hàng vào, có cam kết chặt chẽ. Khi nghe thông tin tốt hay xấu thì cần phải bình tĩnh nghe ngóng, đừng làm theo kiểu phong trào.

Với cơ quan nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra ngay từ khâu sản xuất. Đặc biệt là phải kiểm soát nhanh, hạn chế chi phí. Làm tốt khâu này thì có thể bảo vệ được những doanh nghiệp sản xuất nước mắm chân chính và loại bỏ được những doanh nghiệp làm ăn ma giáo.

“Cái gì ăn vào bụng thì phải kiểm tra trước chứ để khi công bố thì sản phẩm đã ra thị trường, vào bụng nhân dân như vụ nước C2, Rồng đỏ thì nguy hiểm” – ông Phú cho hay.

Trao đổi bên lề phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại chia sẻ rằng Vinastar không có quyền công bố những thông tin về nước mắm như vừa qua. Việc công bố thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước và Bộ Y tế.

Theo ông Cương, khi phát hiện ra vấn đề bất thường, Hội phải đề nghị cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xử lý. Việc công bố như vây là không đúng quy định. Nếu muốn làm, Hội phải được Bộ Y tế ủy quyền.

“Vinastar chỉ có chức năng phối hợp cùng với các cơ quan quản lý trong trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ các thành phần của nước mắm không đảm bảo an toàn hoặc vượt ngưỡng cho phép. Hội không thể làm thay cơ quan quản lý nhà nước được", ông Cương nhấn mạnh.

Mới đây, đại diện các hội nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận) và Cát Hải (Hải Phòng) cũng cho biết sẽ đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ thông tin do vinastar công bố.

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/chu-tich-hiep-hoi-sieu-thi-ha-noi-sieu-thi-bo-ban-nuoc-mam-truyen-thong-la-tu-hai-minh-45593.html