Chủ tịch Hà Nội tiếp tục cắt chi phí không hợp lý

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, năm nay Thành phố sẽ không ứng vốn (hàng trăm tỷ đồng - pv) cho doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá để đảm bảo công bằng thị trường…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị

Sáng 6/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 3 tháng cuối năm 2016.

Theo báo cáo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản trình bày, kinh tế-xã hội Thủ đô 9 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, toàn diện. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng ước tăng 7,73%. Dự kiến, năm 2016 tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm gần đây (theo phương pháp tính mới).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 121.310 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán; dự kiến cả năm sẽ vượt dự toán được giao. Tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản toàn thành phố đạt 53,4% (tính đến 28/9/2016). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ…

Trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 180 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,4 tỷ USD (tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2015); có 16.700 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 149 nghìn tỷ đồng (tăng 20% về số lượng và 48% về số vốn so với cùng kỳ năm trước), nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố lên 202.225 doanh nghiệp.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh CCHC, đến nay đã có trên 50% thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện qua mạng; dự kiến, hết năm nay sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Thực hiện chương trình trồng mới, cải tạo cây xanh, từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố đã trồng mới trên 10 nghìn cây, cắt sửa, chỉnh trang trên 31 nghìn cây bóng mát và khởi công xây dựng mới 5 công viên…

Tại Hội nghị, ý kiến tham luận của các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong bức tranh kinh tế - xã hội của Thành phố. Đó là sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp thấp hơn kế hoạch, chỉ tiêu xuất khẩu giảm 0,4% so với cùng kỳ, tiến độ giải ngân một số công trình, dự án còn chậm, một số chỉ tiêu phải nỗ lực phấn đấu ở mức rất cao trong Quý IV mới có thể hoàn thành kế hoạch năm như GRDP, vốn đầu tư xã hội,...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, quý IV là thời gian nước rút để hoàn thành nhiệm vụ cả năm, do đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, nhất là thu ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội...

Hà Nội sẽ không cấp vốn bình ổn giá để đảm bảo tính công bằng của thị trường

Không cấp vốn bình ổn giá

Đặc biệt, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, năm nay Thành phố sẽ không ứng vốn cho doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá để đảm bảo công bằng thị trường, mà chỉ kết nối giữa các doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các tỉnh để đảm bảo cung cầu hàng hóa.

Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận, huyện bố trí mặt bằng, cuối tháng 11 phải công bố để nhân dân Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận biết, đưa hàng hóa, nông sản, hoa, cây cảnh về Thủ đô tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2017 đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Quyết định không ứng vốn cho doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá là một việc làm hết sức mới mẻ vì nhiều năm qua, Hà Nội đã dùng hàng trăm ngàn tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá thị trường. Đơn cử như ngân sách chi cho chương trình năm 2010 là 500 tỷ đồng, năm 2011 là 475 tỷ…

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiệu quả của số tiền khổng lồ chi cho bình ổn giá đã không được như kỳ vọng, thậm chí còn ngược lại. Một số mặt hàng trong các siêu thị triển khai thực h iện bình ổn giá đôi khi còn có giá cao hơn giá ngoài thị trường.

Về vấn đề này, tại Hội thảo “Thị trường bán lẻ VN: Cơ hội và thách thức” tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã từng thẳng thắn nêu lên một thực tế, đó là có nhiều nhà bán lẻ trong nước đã nhận được nhiều ưu đãi và phát triển lớn mạnh, sau đó lại tự đi “bán mình” cho các nhà bán lẻ quốc tế. Đơn cử như Phú Thái, Nguyễn Kim, Kinh Đô… khiến điều này vô tình trở thành hỗ trợ cho… doanh nghiệp nước ngoài.

Sau việc dừng cắt cỏ, tiết kiệm cho Thành phố tới 700 tỷ đồng mỗi năm thì quyết định không ứng vốn cho doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung chắc chắn sẽ là một quyết định hợp lòng dân, bởi những khoản chi này (được lấy từ tiền thuế của dân) được nhiều ý kiến cho là chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân Thủ đô.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201610/chu-tich-ha-noi-tiep-tuc-cat-chi-phi-khong-hop-ly-543773/