Chủ tịch Giấy Vĩnh Tiến tố Cty Tie Miền Bắc 'ăn cắp' nhãn hiệu

Ngành sản xuất hàng tiêu dùng thời gian qua luôn “nóng ran” bởi hàng loạt vụ kêu cứu, khiếu nại, tố cáo dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có dấu hiệu “thủ đoạn”… Mới đây, chúng tôi lại nhận được lời kêu cứu gửi tới các cơ quan thông tấn báo chí của một doanh nhân – sáng lập viên Cty CP Giấy Vĩnh Tiến.

Sử dụng nhãn hiệu trái phép?

Người kêu cứu là ông Lâm An Dậu (trú tại 1D Đường 36, phường Tân Quy, Quận 7, TP.HCM), chủ tịch HĐQT Cty CP Giấy Vĩnh Tiến, cũng đang là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” theo Quyết định số 3079/QĐ-SHTT ngày 04/8/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ. Theo ông Dậu, nhãn hiệu “VINH TIEN”, “VIBOOK” và “hình nai nhí” đã hiệu gắn liền với quá trình gầy dựng suốt 36 năm của các nhà sáng lập Cty CP Giấy Vĩnh Tiến.

“Vậy mà, có một số DN “ăn cắp” nhãn hiệu của chúng tôi gắn lên sản phẩm của mình. Nổi cộm là Cty TNHH Văn phòng phẩm Tie Miền Bắc (Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương) đã sản xuất giấy, tập có in logo “T con nai” và chữ “VĨNH TIẾN”, bày bán rộng rãi, công khai, ảnh hưởng lớn tới quyền và lợi ích của cá nhân tôi và Cty CP Giấy Vĩnh Tiến”, ông Dậu nói.

Một trong những dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu mà ông Lâm An Dậu nhắc tới

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi chuyển quyền sở hữu cho cá nhân ông Lâm An Dậu, nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” được cấp lần đầu cho Cty CP Vĩnh Tiến, sau đó chuyển qua Cty CP Giấy Vĩnh Tiến (xin gọi tắt là Cty Giấy Vĩnh Tiến). Trong quá trình hoạt động, Cty Giấy Vĩnh Tiến đã hợp tác với Cty CP Tie (Quận 10, TP.HCM) và thành lập Cty TNHH Vĩnh Tiến – Tie. Sau đó, vì một số mâu thuẫn về quản lý, tài chính (chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn ở các bài viết tiếp theo), Cty TNHH Vĩnh Tiến – Tie đã đổi tên thành Cty TNHH Văn phòng phẩm Tie Miền Bắc (Cty Tie Miền Bắc). Tranh chấp về sử dụng nhãn hiệu bắt đầu từ đây.

Theo ông Lâm An Dậu, trước đây Cty Giấy Vĩnh Tiến cho phép Cty Tie Miền Bắc (trước là Cty Vĩnh Tiến – Tie) sử dụng thương hiệu có thu phí, trong đó quy định rất rõ nhiều điều kiện như: Cho phép Cty TIE Miền Bắc sử dụng thương hiệu; Việc sử dụng Nhãn hiệu cụ thể như hình thức in ấn, số lượng in ấn phải được báo cáo, được các bên thỏa thuận thành văn bản và được sự đồng ý của Cty Giấy Vĩnh Tiến; Cty Tie Miền Bắc “được chủ động bán hàng hóa tại thị trường Việt Nam gồm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên”; Đối với doanh thu mỗi sản phẩm bán ra mang thương hiệu của Cty Giấy Vĩnh Tiền, Cty Tie Miền Bắc phải chịu mức phí sử dụng thương hiệu là 2.5%; Cty Giấy Vĩnh Tiến cho phép Cty Tie Miền Bắc “sử dụng thương hiệu quyền và các quyền khác liên quan đến khai thác thương mại các thương hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK”, không có thỏa thuận về logo hình con nai…

“Sau khi ký HĐ, Cty Tie Miền Bắc đã sản xuất hàng loạt sản phẩm có in nhãn hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK và logo hình con nai mà không thông báo cho Cty Giấy Vĩnh Tiến, không báo cáo số lượng hàng hóa được sản xuất, số lượng được bán ra, chưa thanh toán bất kì khoản phí sử dụng thương hiệu nào…”, ông Dậu cho biết.

Có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Theo ông Lâm An Dậu, khi hai bên phát sinh mâu thuẫn, ngày 08/6/2015 Cty Giấy Vĩnh Tiến đã thông báo chấm dứt HĐ đã ký (tháng 9/2014) với Cty Tie Miền Bắc theo quy định và ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Lâm An Dậu toàn bộ quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đối với Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí” vào ngày 27/6/2015 (Cục Sở hữu trí tuệ cập nhật quyền sở hữu mới vào 04/8/2016). Tuy nhiên, Cty Tie Miền Bắc sau đó vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu mà không được phép dù được “nhắc nhở” nhiều lần.

Kết luận dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu “Vinh Tien và hình” đã được bảo hộ của Viện KH Sở hữu trí tuệ

Cho rằng Cty Tie Miền Bắc vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận và bảo hộ, ngày 21/9/2016, ông Lâm An Dậu đã nộp hồ sơ yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) giám định các dấu hiệu xâm phạm nêu trên của Cty Tie Miền Bắc.

Tại kết luận giám định số NH380-16YC/KLGĐ ngày 28/9/2016 Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận: “Dấu hiệu “VĨNH TIẾN” gắn trên sản phẩm vở ghi – như thể hiện tại Tài liệu 1 – là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 139283 của Lâm An Dậu” và cũng tại kết luận giám định số NH381-16YC/KLGĐ ngày 28/9/2016 Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận: “Dấu hiệu T và hình con nai” gắn trên sản phẩm vở ghi – như thể hiện tại Tài liệu 1 – là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 139283 của Lâm An Dậu”.

Dấu hiệu “T và hình con nai” là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Vinh Tien va hình”

“Thương hiệu Vĩnh Tiến đi cùng nhãn hiệu “Vinh Tien và hình con nai nhí” là sự sáng tạo của cá nhân tôi và được đưa vào sử dụng gắn liền với tên tuổi Cty CP Giấy Vĩnh Tiến mà tôi là cổ đông sáng lập. Tôi mong các cơ quan chức năng xem xét, điều tra làm rõ, buộc Cty Tie Miền Bắc chấm dứt hành vi xâm phạm đối với Nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” đã được bảo hộ; Tịch thu hàng hóa của Cty Tie Miền Bắc đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được kết luận tại kết luận giám định nói trên…”, ông Lâm An Dậu kêu cứu.

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có không ít “lình xình” trong việc hợp tác, kinh doanh giữa Cty Giấy Vĩnh Tiến và Cty CP Tie. Tuy nhiên, vấn đề là dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được chỉ ra khá rõ trong các kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, sẽ chưa thể có bất cứ hình thức giải thích, biện minh nào từ hai phía có giá trị pháp lý cao hơn kết luận trên. Thêm nữa, dù những “lình xình” nói trên là thật, hai bên có lẽ chỉ có thể tự thỏa thuận hoặc đưa nhau ra tòa, trong một vụ án kinh tế khác, khó có thể “lôi” nội dung tố cáo xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của ông Lâm An Dậu vào, bởi bởi những sản phẩm trí tuệ nói trên cá nhân ông Dậu đã được pháp luật bảo hộ độc quyền, không cá nhân, tổ chức nào có thể xâm phạm nếu ông này hoặc pháp luật không cho phép (?)

Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chu-tich-giay-vinh-tien-to-cty-tie-mien-bac-an-cap-nhan-hieu/