Chữ 'Thầy' - một góc nhìn!

Tôi xin được mở rộng từ “Thầy” trong cuộc sống đời thường. Người Thầy ở đây không còn hạn chế là Thầy dạy chữ ở trường học theo cách nghĩ thông thường mà bất cứ ai là người mà ta có thể học hỏi cái đúng cái hay cái tốt hay từ cái còn hạn chế của họ để ta rút ra bài học kinh nghiệm mà tự hoàn chỉnh kiến thức, hoàn thiện nhân cách cho bản thân mình.

Thầy đồ dạy học ngày xưa (Ảnh minh họa)

Trong ý nghĩa này ta thấy sách Luận ngữ, Khổng tử có viết: “ tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên” tạm hiểu( không phải là tạm dịch) là trong ba người cùng đi sẽ có người mà ta học hỏi được, suy rộng ra trong cuộc sống ai cũng có thể được ta xem là Thầy!

Làm sao để nhận biết được ai là Thầy ta là điều không đơn giản chút nào. Để học hỏi ở người được cho là Thầy, ta cần phải biết đắn đo tiếp thu rồi chắt lọc cái tinh túy của họ để lấy và làm giàu thêm cái của ta. Thiên tài Isaac Newton đã từng nói” “ Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn, ấy bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Điều này bắt buộc ta phải sáng suốt lựa chọn vì không phải cái gì của “ người khổng lồ” cũng đúng cũng tốt cũng hay đáng cho ta làm theo, bởi nhân vô thập toàn. Làm được như vậy mới thực sự ta đã đứng trên vai người rồi, yếu tố thành công được nhân lên gấp bội.

Song, ta cũng không thể không tiếp cận với những người mà qua giao tiếp họ bộc lộ ra những điều còn hạn chế. Với những người này họ có được ta xem là Thầy ta không? Theo tôi họ vẫn được ta xem là Thầy vì họ đã chỉ cho ta thấy được nhược điểm của ta thông qua điểm yếu của họ.

Cũng cần có một cách nhìn rộng rãi hơn về người Thầy của ta, họ không hẳn là bậc học giả có học vị, học hàm, địa vị trong xã hội, học vấn uyên thâm theo quan niệm thông thường, bởi ngoài cái “cần” là trình độ học vấn, cái “đủ” là nhân cách chưa chắc đã có. Trường hợp ông PVH tự phong nhiều chức danh, học hàm, học vị…. rồi “chửi bậy”, “chửi tục tỉu” làm dậy sóng cộng đồng mạng vừa qua là một minh chứng hùng hồn. Người Thầy của ta có thể là một cậu học trò nhỏ, một em bé bán hàng rong, một anh lái xe ôm…bởi chính cái nhân cách và việc làm đáng trân trọng của họ đáng để cho chúng ta học hỏi và làm theo.

Và nữa người Thầy của ta có thể là người đã từng xem thường, chê bai, chế nhạo ta. Chính lòng tự hào của bản thân bị xúc phạm ta sẽ cố gắng vươn tới sự thành công bằng cách này hay cách khác.

Nói chung trong cuộc sống, đồng hành với mỗi bước chân ta luôn có sự hiện diện không ít người thầy mà ta phải luôn tỉnh táo sáng suốt nhận ra để học hỏi vậy!

TÚ NGUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/chu-thay-mot-goc-nhin-612459.bld