Chữ Tâm của một quản giáo trẻ

Nhẹ nhàng, hóm hỉnh, anh khiến chúng tôi cảm giác công việc “coi tù”của quản giáo thường được ví là nguy hiểm, nặng nề trở nên sinh động. Trong suy nghĩ của anh, phạm nhân chẳng khác nào đứa trẻ lớn tuổi phạm lỗi nên phải vừa dạy vừa dỗ.

Đại úy Đào Anh Dũng đang thao tác kỹ thuật cho phạm nhân mới vào cải tạo ở đội khâu bóng.

Không tạo khoảng cách với phạm nhân

Tôi từng có nhiều dịp tiếp xúc với quản giáo, từng bắt gặp những cử chỉ chu đáo, những câu hỏi thăm và cả những lời khuyên chân tình của họ với phạm nhân đang quản lý. Ấy thế nhưng lại chưa có dịp gặp một quản giáo nào nói như anh, vừa đủ nghĩa, đủ ý mà không hề xa cách.

“Em mở hộ tôi cái cổng”, đó là câu nói của Đại úy Đào Anh Dũng, quản giáo Phân trại 1, Trại giam Suối Hai với một phạm nhân đang lao động ven đường khi anh lái xe chở chúng tôi từ Phân trại 2 quay về. Câu nói thân tình của anh khiến tôi cứ nhớ mãi, phải chăng tính cách anh là vậy, nhẹ nhàng, hồn hậu, hay ở những nơi như thế này, chỉ có người coi tù và kẻ phạm tội thì tình người là tất cả.

Dũng sinh ra ở Hà Nội, có chút gì đó nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng sâu sắc. Trò chuyện với chúng tôi, anh bảo, “chẳng có gì để khoe cả nhà báo ạ, có viết thì viết về trại ấy”, một tập thể khi đã giơ tay tuyên thệ 6 lời thề Công an nhân dân, đương nhiên có nhiều điều để nói.

Từ một Cảnh sát bảo vệ khi Trại giam Suối Hai trước đây còn là một cơ sở giáo dục, trở thành một quản giáo và nay là Đội phó Đội quản giáo Phân trại số 1, Dũng có nhiều kỷ niệm buồn vui về nghề và cả những số phận con người nên càng không thể kể ngay trong chốc lát. Có những người, trước khi trở về địa phương, cảm ơn cán bộ được anh chúc: “Lời cảm ơn quý giá nhất các anh dành cho chúng tôi là không bao giờ quay lại trại giam có giá trị hơn mọi thứ vật chất các anh mang đến”, không ngờ họ đã không làm được. Gặp lại phạm nhân của mình trong bản án mới, anh buồn, giận lắm nhưng cũng chỉ biết trách nhẹ rồi động viên họ phấn đấu. Nghề quản giáo là vậy, khuyên răn, giáo dục để họ tốt lên nhưng không thể làm gì khác được một khi họ cố tình phạm lỗi. Chính vì thế nên những quản giáo có tâm như anh chỉ biết lặng lẽ với nỗi lòng mình.

“Không phải người nào vào đây cũng xấu cả. Có người biết sửa lỗi và quyết tâm sửa lỗi sau này cuộc sống đều khá cả”, Dũng tâm sự. Anh kể về trường hợp phạm nhân tên Giáp, sinh năm 1953, người Hà Nội, lý lịch có tới 3 tiền án, khi vào phân trại của Dũng, thấy quản giáo quá trẻ, Giáp tỏ ra không phục nên thường cãi lý rồi đưa ra yêu sách này nọ. Thấu hiểu nỗi tự ti của người lớn tuổi phạm tội nên anh đã gọi Giáp ra trò chuyện riêng. Sự thẳng thắn, cởi mở của anh và nhất là khi Dũng bảo coi Giáp như một người cha chú trong gia đình, khích lệ Giáp hãy cư xử làm sao cho đáng mặt người lớn tuổi trong đội… Giáp nghe ra, từ đó không những chấp hành tốt nội quy, cải tạo, mà còn rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ cán bộ những công việc được giao. Cho đến bây giờ khi đã ra trại được mấy năm nhưng những ngày kỷ niệm của lực lượng Công an, ngày của quản giáo, Giáp không quên gọi điện chúc mừng, cảm ơn Dũng. Thậm chí, anh ta còn tìm đến nhà Dũng ở Hà Đông để bày tỏ tấm lòng cảm ơn và khoe thành tích về việc chăm chỉ làm ăn của mình.

“Những đối tượng nhiều tiền án tiền sự, họ hiểu biết về luật rất rõ nên nếu cán bộ quản giáo không cứng luật, khi họ hỏi mà giải thích không được rõ ràng, họ sẽ vin vào đó để tấn công mình”, Dũng tâm sự. Theo anh thì một chiến sỹ Công an khi khoác trên mình nhiệm vụ quản giáo phải nắm chắc luật, biết được quyền hạn của cán bộ đến đâu, những quy định nào phạm nhân phải chấp hành thì phạm nhân sẽ nghe và không vặn lại.

Tôn trọng không có nghĩa là dễ dãi

“Tôi nghĩ rằng, phạm nhân là những người vi phạm pháp luật nhưng trước hết họ là những con người. Giữa con người với nhau thì quan trọng nhất vẫn là tình cảm. Ban đầu tiếp xúc với họ, tôi bao giờ cũng hết sức niềm nở để tạo cho phạm nhân cảm giác yên tâm cải tạo, trước hết mình dùng tình cảm và sự chân thành của mình để cảm hóa họ. Nếu như họ không chuyển biến theo hướng tích cực, khi ấy mình mới nghiêm khắc trong phạm vi của pháp luật cho phép. Mình thoải mái để tạo sự hòa đồng cho phạm nhân nhưng không có nghĩa là dễ dãi”, Dũng tâm sự.

Đang ở môi trường là một cơ sở giáo dục, chức năng nhiệm vụ hoàn toàn khác với trại giam nên khi trở thành nơi giam giữ, cải tạo những kẻ phạm đủ các loại tội, những quản giáo như Dũng đã phải tự hoàn thiện mình cho kịp với yêu cầu của công việc. Anh bảo trước đây Suối Hai là nơi dành cho những kẻ vi phạm nhưng chưa tới mức phải xử lý trước pháp luật nên đặc thù công việc cũng khác so với bây giờ là trại giam, công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao hơn và cũng nhiều nguy hiểm, vất vả hơn.

Từ một Cảnh sát bảo vệ, nhiệm vụ là gác và đảm bảo an toàn trong thời gian làm nhiệm vụ, Dũng thấu hiểu những khắt khe đòi hỏi khi trở thành quản giáo nên chịu khó học hỏi và bắt nhịp rất nhanh với công việc, nhanh chóng trở thành cán bộ quản giáo giỏi, được lãnh đạo tín nhiệm giao cho phụ trách những đội trọng điểm, quản lý những phạm nhân nguy hiểm, nhiều tiền án, tiền sự và hay chống đối.

Hỏi anh có cách nào để “chế ngự” những kẻ tưởng như bất trị ấy, Dũng cười nhỏ nhẹ: “Những trường hợp 4-5 tiền án, bản chất là lưu manh, khi vào trại tính cách ấy chỉ tạm lắng xuống nên luôn có tư tưởng đối phó với cán bộ. Người quản giáo có tâm phải nắm bắt được tư tưởng, tâm lý của họ, động viên kịp thời để họ có hướng phấn đấu cải tạo tốt”. Rồi anh kể về phạm nhân Trương Thanh Hùng, một trong những kẻ cầm đầu các phạm nhân khác gây bạo loạn ở trong Nam, sau nhiều lần thuyên chuyển vì vi phạm, cuối cùng về Trại giam Suối Hai cải tạo.

Cầm tập hồ sơ về Hùng trên tay, quản giáo Dũng xem xét rất kỹ, thấy anh ta là người có tuổi, vào trại vì tàng trữ ma túy và tới trại giam nào cũng cho rằng quản giáo có vấn đề. Trực tiếp gọi Hùng lên trò chuyện, anh thẳng thắn bảo Hùng nên nghĩ lại, vì nếu nói 1 quản giáo “có chuyện” thì còn nghe được, chứ tới trại nào cũng phàn nàn thì phải tự xem lại mình. Gặp gỡ, hỏi han vừa răn đe, dạy dỗ, Dũng đã từng bước khiến kẻ ương bướng này nhận ra lỗi lầm, từ đó chấp hành tốt công việc được giao. Dịp vừa rồi được quản giáo Dũng đề nghị công nhận tiến bộ, Hùng đã khóc vì ân hận.

“Chúng tôi vẫn thường nhắc nhau rằng, phạm nhân họ vi phạm pháp luật là họ nợ với Nhà nước chứ không nợ chúng ta cho nên trong quá trình giáo dục và quản lý họ, chúng ta nên có những lời nói đúng với quy định, không nên có những lời miệt thị, tránh việc gây bức xúc thì họ sẽ tôn trọng chúng ta, nhận thức được lầm lỗi mà yên tâm cải tạo”

Bằng cái tâm của mình, quản giáo Dũng còn khiến nhiều kẻ bướng bỉnh nhận ra đâu là cội nguồn của sự yêu thương. Đó là lần chứng kiến cảnh một phạm nhân vị thành niên, thấy bà ngoại lên thăm là một gánh khoai đã không chịu ra gặp, Dũng đã lựa lời phân tích nên khi hiểu ra, phạm nhân này đã xin lỗi bà, vui vẻ nhận những củ khoai của bà mang vào chia cho các bạn. Hay như một trường hợp phạm nhân hoàn cảnh khó khăn, mỗi lần lên thăm con chỉ vỏn vẹn tí quà là những con tôm, con cá bắt được ngoài đồng, thế nhưng khi biết con mình tiến bộ là nhờ quản giáo Dũng, ông bố đã năn nỉ anh nhận chút quà của gia đình. Cầm chiếc phong bì của người bố nghèo khổ trên tay, anh xúc động vì tấm chân tình của ông dành cho mình nên đã xin nhận quà rồi… biếu lại bác làm lộ phí đi đường.

Chẳng biết người bố đã kể với con mình thế nào nhưng đã làm thay đổi nhận thức của anh ta. Sau này, con trai ra trại nhưng gia đình anh ta vẫn giữ liên lạc với quản giáo Dũng, thi thoảng người bố lại gọi điện cho anh, thông báo những tiến bộ của con mình và không tiếc lời cảm ơn anh vì đã dạy dỗ con ông ta biết nhận ra lẽ phải.

Với phạm nhân quậy phá, chống đối vì bất cần do án dài, quản giáo Dũng lại có cách “trị” riêng. Anh luôn dành cho họ những lời khuyên chân tình, dùng tình người để cảm hóa, thu phục. Theo anh, thì với những phạm nhân luôn mặc cảm, việc tiếp xúc ban đầu rất khó khăn nhưng nếu mình chân tình với họ, họ sẽ mở lòng chia sẻ và một khi đã tạo được niềm tin giữa con người với nhau sẽ là động lực để phạm nhân yên tâm cải tạo tốt.

Hai tuần một lần mới có dịp về thăm nhà vào ngày nghỉ cuối tuần, Dũng thương lắm người vợ cùng ngành, một tay chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Anh bảo, một phần làm tốt công việc cũng do có người vợ đảm đang nên cũng yên tâm hơn. Hơn ai hết, anh hiểu công việc của một Cảnh sát khu vực như vợ mình nên mỗi khi có dịp về với gia đình, Dũng lại san sẻ với vợ những công việc thường nhật như đưa con đi chơi và dạy dỗ. Tuy chỉ là những giây phút ngắn ngủi hiếm hoi nhưng với anh đó là động lực để sau đó về nơi công tác làm việc hiệu quả hơn và tâm huyết với nghề gieo mầm thiện ở những kẻ lầm lỗi

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat-sukien/anhhung/2013/11/186506.cand