Chủ nhân hang ma là ai?

Bằng cách nào, người xưa đưa được những cỗ quan tài nặng hàng tấn lên những hang động có độ cao hàng trăm mét trên vách núi cheo leo? Chủ nhân của những hang ma này là ai?

>> Kỳ bí động quan tài

Một số giả thiết

Theo khảo sát, ở huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có rất nhiều hang ma. Hầu hết những hang ma này đều nằm cheo leo trên các vách đá, có những hang nằm ở vị trí vách đá thẳng đứng.

Đã từng có nhiều giả thiết cho rằng, các hang mộ trên trước kia vốn nằm ở dưới thấp, trải qua quý trình biến đổi địa chất nên chúng được tôn lên độ cao như ngày nay. Một số khác thì cho rằng, người xưa đã tạo ra hang mộ trên vách núi cao để không bị phá phách. Để đưa những chiếc quan tài ấy lên hang núi, họ đã dựng lên một hệ thống giàn giáo bằng tre, gỗ và dùng ròng rọc để kéo các quan tài lên…

Với giả thiết thứ nhất, ông Lương Văn Tướng (Bản Khó, xã Hồi Xuân, Quan Hóa) - người tìm thấy hang ma đầu tiên ở xã Hồi Xuân cho rằng, cách lí giải đó là hoàn toàn có lí. Để chứng minh, ông Tướng đã đưa chúng tôi đến một số địa điểm cách hang ma ở xã Hồi Xuân chừng 3km về phía thượng lưu sông Luồng (sông chảy qua các xã của huyện Quan Hóa) – nơi có những ngọn núi có thành vách thẳng đứng ngay sát bờ sông.

Nhiều vỏ gỗ và xương người không được bảo quản đã bị trẻ em
vứt hết xuống suối

Theo những người cao tuổi ở khu vực này kể lại thì cách đây chừng 50 năm, những vách núi ven sông Luồng không dựng đứng như hiện nay, mà phía chân núi sát với bờ sông có những dải đồi đất thoai thoải nằm xen kẽ với núi đá, có lối đi dẫn lên núi dễ dàng. Tuy nhiên, sau những đợt lũ ống và lũ quét ở lưu vực sông Luồng, các dải đất này đã bị xói mòn và sạt lở xuống sông, đến nay thì lòng sông đã ăn sâu vào sát vách núi, và những lối đi đã biến mất.

“Nếu giả thiết này là đúng thì việc đưa những chiếc quan tài lên những hang đá trên vách núi cheo leo như như hiện nay đối với người xưa không khó. Bởi vị trí đặt các quan tài khi ấy vẫn có lối đi và địa thế dốc thoai thoải, họ có thể dùng sức người, gia súc kéo để kéo lên. Trải qua thời gian, tác động của biến đổi địa lý, lũ lụt, xói mòn đã khiến các ngọn núi trở nên cheo leo hiểm trở như hiện nay”, ông Tướng nhận định một cách đơn giản.

Tiến sĩ Mai Văn Tùng (giảng viên ĐH Hồng Đức) bổ sung cho giả thiết này khi lí giải: Việc đưa quan tài lên các hang động là nhằm mục đích giữ gìn thi thể người chết được lâu. Vì thế người xưa phải tìm các hang núi cheo leo, hiểm trở. Những hang động này thường nằm gần đỉnh núi, ở đó khí hậu tương đối lí tưởng cho bảo quản thi thể.

Hơn nữa, họ muốn ít người biết đến nơi chôn cất thi thể nên những hang động có vách núi cheo leo là nơi lựa chọn thích hợp nhất. Để đưa các quan tài nặng hàng tấn lên các hang núi, có thể người xưa đã phải chờ tới các mùa nước nổi ở ven sông. Khi nước lên cao nhất đưa quan tài lên thuyền chở tới hang. Họ có thể dùng thang dây hoặc ròng rọc, huy động sức của nhiều người để kéo lên. Các áo quan được đặt lần lượt từ trong ra ngoài theo thứ tự trước sau. Sau đó họ dùng cây cối ngụy trang kỹ, vì thế các hang này tồn rất lâu mới được tìm thấy.

Dấu tích còn lại của hang ma

Chủ nhân hang ma là ai?

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, đây là cách an táng cổ xưa của người Thái cổ xưa, hoặc đây là hang mộ dành cho tầng lớp quý tộc người Thái. Có luồng ý kiến còn nhận định, có thể những hang động này là nơi an táng những người thuộc thân tộc của Thượng tướng quân Khằm Ban – người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV.

Theo sử sách, tướng quân Khằm Ban là đã lập nhiều chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Ông được vua Lê phong làm Thượng tướng quân, thống lĩnh toàn quân miền núi Tây Bắc, từ Nghệ An tới Thanh Hóa. Theo sử sách của người Thái chép lại, vua Lê Thái Tổ đã cho ông tự chọn vùng đất để lập điền trang, thái ấp của mình. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ông đã phát hiện đất Hồi Xuân có phong cảnh sơn thủy hữu tình, có thể xây dựng cơ nghiệp lâu dài. Ông liền chọn để dựng bản, lập Mường và đặt tên là Mường Ca Da. Về sau, người Thái ở các nơi tới làm ăn ngày càng nhiều, Mường Ca Da ngày càng phồn thịnh. Sau khi ông mất, triều đình đã cho dựng ngôi đền, để quanh năm nhân dân Mường Ca Da hương khói phụng thờ. Năm Khải Định thứ hai, vua Khải Định ra sắc phong ông là Thần Hoàng, đứng đầu các hạng thần ở vùng núi.

Cho tới nay vẫn chưa ai biết được chủ nhân đích thực của hang ma

Ông Phạm Văn Thúy, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa, bổ sung thêm: Thượng tướng quân Khằm Ban có tên gọi theo tiếng Thái là Chu Kha Lai, tiếng Kinh là Phạm Hiếu, ông là con rể của vua nước Ai Lao (tức Lào). Dấu tích về tướng quân Khằm Ban hiện nay vẫn còn lưu giữ ở vùng đất Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) với tên gọi của hai bản là Bản Khằm và Bản Ban cùng một tấm bia đá lớn ghi dấu công ơn của ông. Dựa theo giả thiết này, thì những khu động táng này có khả năng ra đời vào khoảng TK XV, và là của người Thái di cư đến tạo nên. Nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) và nhiều nhà nghiên cứu khác từng nghiên cứu về khu động táng này thì lại cho rằng, nó ra đời vào khoảng TK XV trở về trước. trước cả khi người Thái đến định cư ở vùng đất này.

TS. Vũ Thế Long, Viện khảo cổ Việt Nam: "Chưa ai khẳng các hang động táng ở xã Hồi Xuân là của người Lào hay Thái, vì ngay các bộ tộc Lào và dòng di cư của người Thái cũng rất đa dạng và phức tạp. Ngoài ra, người Tày, Nùng ở Đông Bắc Việt Nam cũng cùng chung dòng với người Thái".

Tại Bản Khó (thuộc xã Hồi Xuân), đến nay vẫn còn tồn tại một hang động khá lớn mà người Thái nơi đây vẫn quen gọi là hang Héo Lào, tiếng Thái nghĩa là nghĩa địa của người Lào. Hang Héo Lào cách vị trí Hang Ma khoảng 4 km về phía Tây Nam. Do không được bảo vệ nên một số quan tài đã bị người dân địa phương cậy phá, không còn nguyên vẹn. Theo quan sát của chúng tôi, hang Héo Lào có diện tích khoảng 40 m2, được chia làm ba tầng hang rõ rệt, nằm trọn trong lòng một quả núi đá vôi. Tầng hai và tầng ba ăn thông lên bên trên ngọn núi và có rất nhiều ngách. Tại tầng cuối cùng của hang, người dân đã phát hiện ra rất nhiều những mảnh tước đá được mài nhẵn, có hình thù giống những chiếc ghè, đục. Ở giữa hang có một dãy những khối đá được mài nhẵn xếp thành hàng (có thể dùng để ngồi hoặc kê quan tài). Hiện tại, ở đây vẫn còn rất nhiều mảnh xương và gỗ vỡ. Theo người dân địa phương thì đó vốn là những chiếc quan tài đã bị vỡ.

Ông Hà Văn Khiên, nguyên Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân cho biết: Trước kia trong hang Héo Lào cũng có hàng trăm quan tài bằng gỗ được tìm thấy giống như ở hang ma. Do trong hang có một mó nước rất trong và mát chảy qua suốt bốn mùa nên trẻ con thường vào hang lấy nước uống, tắm và bắt dơi để nướng. Chúng lôi những chiếc quan tài, lẫn xương cốt ném hét xuống các vũng nước trước cửa hang. Vì thế những chiếc quan tài ở hang Héo Lào không còn nữa, chỉ còn sót lại các mảnh gỗ và xương vụn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/24/93492/chu-nhan-hang-ma-la-ai.aspx