Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta

Thực hiện Chỉ thị 37-CT/T.Ư ngày 4/8/2009 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đại tá, PGS, TS Vũ Như Khôi, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng đã có bài viết với tiêu đề: "Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta". Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX mang đậm tinh thần yêu nước và dũng khí trước quân thù, nhưng đều dưới sự dẫn dắt của tư tưởng phong kiến và tư sản là các trào lưu tư tưởng đã lỗi thời, lạc hậu trong sự phát triển của thế giới đương đại và không đáp ứng được yêu cầu của xã hội Việt Nam, nên không tránh khỏi thất bại. Cách mạng Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Đất nước “như đêm tối không có đường ra”. Yêu cầu khách quan của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX là phải có một lý luận cách mạng tiên tiến dẫn đường với một đảng cách mạng chân chính, có đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn để lãnh đạo công cuộc cứu nước. Bao giờ cũng vậy, khi nào lịch sử đặt ra yêu cầu, thì sớm muộn lịch sử cũng sẽ sản sinh ra những điều kiện và những con người đáp ứng yêu cầu đó. Lãnh tụ là những người xuất hiện đúng thời điểm, nắm bắt yêu cầu của lịch sử, đủ tài năng và uy tín giải quyết được nhiệm vụ lịch sử đặt ra. Hồ Chí Minh xuất hiện đúng thời điểm lịch sử. Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh - sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, sống gần gũi với những người nông dân trong một vùng đất được coi là “địa linh nhân kiệt”. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành sớm có lòng yêu nước thương dân, trăn trở tìm con đường cứu nước. Rất kính phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng bằng sự mẫn cảm chính trị, Người không đi theo con đường của các vị, vì nhận thấy mỗi con đường đó đều có những hạn chế, khó đi đến thành công. Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống và sự mẫn cảm chính trị, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới. Trải qua gần mười năm bôn ba khắp bốn biển năm châu, nung nấu chí hướng cứu nước, cứu dân, vừa lao động cùng những người anh em chung cảnh ngộ, vừa hoạt động cách mạng và học hỏi những tư tưởng mới, Nguyễn Tất Thành, một anh thanh niên từ nước thuộc địa xa xôi đã trở thành nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng tại thủ đô Pari. Bằng trí tuệ siêu việt và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc chuyển biến từng bước, đến mùa thu năm 1920, Người đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy chân lý của thời đại: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” . Đây là lời giải đáp duy nhất đúng đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Tháng 12 - 1920, trong Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu người bản xứ thuộc địa duy nhất, đã cùng nhiều đảng viên người Pháp bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và biểu quyết thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, trở thành người cộng sản, đó là kết quả hợp quy luật của quá trình hoạt động trí tuệ và thực tiễn lâu dài, gian khổ của Nguyễn Ái Quốc. Tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh lịch sử đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới. Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc hướng hoạt động của mình vào công việc đầu tiên là truyền bá lý luận cách mạng về nước để làm chuyển biến phong trào đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, từng bước chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt những năm 20, Nguyễn Ái Quốc cùng những cộng sự, những học trò của mình và một số nhà yêu nước, cách mạng được ảnh hưởng tư tưởng của Người, đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đặc biệt tác phẩm Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc xuất bản năm 1927 đã chỉ ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Đó là phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng, lực lượng và phương pháp cách mạng; những kinh nghiệm cách mạng thế giới; vấn đề vai trò lãnh đạo của đảng cách mạng; nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới và yêu cầu khách quan phải thành lập đảng của giai cấp công nhân Việt Nam; cuốn sách còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Đường cách mệnh là tác phẩm lý luận cách mạng quan trọng nhất của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này. Những nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được cụ thể hóa một cách sáng tạo và phát triển thành tư tưởng, đường lối của cách mạng Việt Nam. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục lý luận, tư tưởng và đường lối cách mạng tiên tiến, các chiến sĩ cách mạng còn đấu tranh không khoan nhượng với các luồng tư tưởng tư sản và tiểu tư sản đang cản trở quần chúng hấp thụ và đi theo tư tưởng cách mạng vô sản. Nhờ cuộc đấu tranh này, các nhóm chính trị theo tư tưởng tư sản, tiểu tư sản mau chóng tan rã hoặc bị quần chúng tẩy chay. Đây là bước chuẩn bị cơ bản về chính trị, tư tưởng cho việc thành lập Đảng Cộng sản. Đầu thế kỷ XX, sau khi các phong trào Đông du, Duy tân thất bại, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta có bị lắng đi một thời gian. Từ khi được lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc rọi về, phong trào yêu nước lại bùng lên mạnh mẽ. Đến năm 1929, phong trào cách mạng Việt Nam đã phát triển đến mức đòi hỏi cấp bách phải có một đảng vô sản lãnh đạo. Yêu cầu khách quan đó tác động đến các tổ chức yêu nước, cách mạng. Kết quả là từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930, những hội viên tiên tiến trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Đảng Tân Việt thành lập ra ba tổ chức cộng sản. Ngày 27 – 10 – 1929, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương. Trong thư, Quốc tế Cộng sản chỉ thị: dưới sự lãnh đạo của một đại biểu của Quốc tế Cộng sản, phải tiến hành tổ chức thành lập ngay Đảng Cộng sản . Nhận được tình hình phong trào trong nước và chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đến Hương Cảng, gấp rút xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản. Với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Nguyễn Ái Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo, đó là Cương lĩnh và Điều lệ đầu tiên của Đảng. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Ngày 3 – 2 – 1930 được lấy làm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, tổ chức chặt chẽ và rộng khắp đã đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng lãnh đạo kéo dài trong nhiều năm, mở ra thời đại thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta” . Thực tế lịch sử chứng tỏ vào thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc và những nhà yêu nước, cách mạng Việt Nam đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào Việt Nam. Phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam sau những thể nghiệm các con đường khác nhau đều bị thất bại, đã thiết tha hấp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chuyển biến về chất. Đó là cuộc “hội ngộ lịch sử” dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là quy luật đặc thù sự ra đời của Đảng ta. Những năm gần đây, lợi dụng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cùng những khó khăn, vấp váp trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, một số người gốc Việt, từ nước ngoài cố tình ngụy biện và xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi người Việt Nam chân chính đều nhận thức sâu sắc hậu quả sự thống trị, khai hóa của chủ nghĩa đế quốc là thế nào. Đó là đất nước bị chia cắt và mất tên trên bản đồ thế giới, là đầu rơi, máu chảy, là dốt nát và bị khinh rẻ, là chết đói hàng hai triệu người…Nhiều nhà yêu nước và cách mạng đã từng thực hành nhiều con đường cứu nước khác nhau, nhưng đều thất bại và chính các cụ đã tự nhận thấy con đường của mình là sai lầm. Lịch sử đã bác bỏ luận điệu của những người không hiểu hoặc cố tình lảng tránh sự thật rõ ràng đó. Một thực tế lịch sử mà loài người đều thừa nhận, là từ khi cách mạng nước ta được lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, thông qua sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì dù là lâu dài, dù là hy sinh gián khổ, nhưng nhân dân ta đã giành những thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không ai có thể phủ nhận cuộc Cách mạng Tháng Tám mà Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ tinh thần, vừa là người chỉ huy tối cao, là một cuộc cách mạng thấm đượm tư tưởng nhân đạo, ít đổ máu và hòa hợp dân tộc. Cuộc cách mạng giải phóng khỏi ách thống trị dã man, tàn bạo của phát xít, thực dân, phong kiến, nhưng chính sách của Chính phủ Hồ Chí Minh là không đánh quân Nhật khi nước Nhật đã đầu hàng Đồng minh; không đánh quân Pháp khi chúng chưa gây hấn xâm lược lại nước ta; không trả thù, báo oán những người Việt Nam trong bộ máy chính quyền thực dân phong kiến trước đây, thậm chí còn trọng dụng nhiều người làm việc trong chính quyền cách mạng. Đáng lẽ sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để xây dựng chế độ mới. Nhưng thực dân Pháp dã tâm xâm lược lại nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương hòa hoãn, dùng biện pháp thương lượng, nhân nhượng để giải quyết hòa bình cuộc xung đột Pháp - Việt. Nhưng bọn thực dân hiếu chiến Pháp quyết dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ nước ta. Chúng gây ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu và gửi thư cho Chính phủ ta với tính chất như một “tối hậu thư”, đòi quân, dân ta hạ vũ khí. Lẽ nào một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt, một dân tộc đã kiên cường chống thực dân Pháp gần một thế kỷ, đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít và giành chính quyền từ tay phát xít Nhật như dân tộc Việt Nam lại cam tâm đầu hàng, trở lại kiếp nô lệ! Con đường sống duy nhất của dân tộc ta là phải chủ động đứng lên kháng chiến. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, trong đó, Người chỉ rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” . Sự thật đã rõ ràng, thủ phạm gây ra cuộc chiến tranh chính là bọn thực dân hiếu chiến Pháp. Trừ bọn thực dân và đám bồi bút của chúng cố tình “đổi trắng thay đen”, đổ tội cho chúng ta là “đánh trước”, còn những người có lương tri, kể cả một số quan chức, sĩ quan Pháp lúc đó, cũng thừa nhận là người Việt Nam bị dồn vào chân tường, buộc phải cầm vũ khí chiến đấu. Chính Tổng thống Pháp Ph. Míttơrăng trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam tháng 2 – 1993, đã trả lời các nhà báo rằng: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh” . Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai công khai phá hoại hiệp định Giơnevơ, mở cuộc tàn sát đẫm máu các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Tính sơ bộ, đến năm 1959, ở miền Nam có 466.000 người bị bắt, 400.000 người bị tù đày, 68.000 người bị giết hại. Trên thực tế, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây ra “cuộc chiến tranh một phía”. Chẳng những thế, chúng còn hò hét “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”, “giải phóng Cố đô”, “rửa hận thù”…Từ năm 1965, đế quốc Mỹ còn thực hiện cuộc “chiến tranh cục bộ”, đưa trên nửa triệu quân Mỹ vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam và tiến hành cuộc “chiến tranh phá hoại”, đe dọa đẩy miền Bắc nước ta “trở về thời kỳ đồ đá” (!). Không còn con đường nào khác, dân tộc ta phải chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” . Như vậy, chính đế quốc Mỹ là thủ phạm gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, và “gieo gió thì gặt bão”, chúng đã bị thảm bại. Tổ tiên ta đã từng hai lần đánh quân Tống, ba lần đánh quân Nguyên, mười năm khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc đại phá quân Thanh…Đó là lẽ sống của dân tộc ta, đâu có bị ảnh hưởng tư tưởng của ai. Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng ta chính là tiếp nối truyền thống quật cường đó, lại được soi sáng bằng chủ nghĩa Mác – Lênin, nên thắng lợi càng vĩ đại hơn. Qua cuộc Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc chiến tranh giải phóng, dân tộc ta đã giành được độc lập, thống nhất trọn vẹn, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Lịch sử bao giờ cũng đi những bước quanh co. Một đất nước có lúc mạnh, lúc yếu, khi biến, khi thường. Vào cuối thập kỷ 80 và năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thế giới trải qua cuộc biến động thụt lùi. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Chịu tác động của tình hình thế giới cùng những sai lầm khuyết điểm chủ quan, những năm 80, đất nước ta lâm vào khủng hoàng kinh tế - xã hội trầm trọng. Các thế lực thù địch nhận định những chỉ số của sự sụp đổ ở Việt Nam cao hơn nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và chúng tin chắc sự sụp đổ của Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai. Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị vững vàng và trí tuệ sáng suốt của một đảng có nền tảng tư tưởng Mác – Lênin, Hồ Chí Minh, có bề dày kinh nghiệm cách mạng, được toàn dân tin theo và ủng hộ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã vượt qua thử thách hiểm nghèo, ra khỏi khủng hoảng, vững vàng bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đã có bao giờ đất nước Việt Nam vẻ vang, có vị thế trên trường quốc tế như hôm nay. Vào những thời điểm quyết định, những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, thậm chí có lúc vận mệnh của cách mạng, của đất nước đứng trước tình thế mất còn thì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lại tiếp tục tỏa sáng, dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua thử thách, đưa cách mạng tiến lên. Những gì diễn ra trên dải đất Việt Nam gần một thế kỷ qua đã chứng tỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận, tư tưởng duy nhất đúng, đáp ứng yêu cầu của cách mạng, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Như thế, rõ ràng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, khiến Đảng ta trước sau như một, luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo toàn dân hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, và ngày nay đang tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=433526&co_id=30296