Chủ nghĩa khủng bố 'phà hơi nóng' vào châu Âu

Bắt đầu bằng vụ thảm sát kinh hoàng bằng xe tải ở Nice, Pháp, sau đó đến vụ tấn công bằng rìu mang xu hướng khủng bố tại một trạm tàu hỏa ở Đức và mới đây nhất là một vụ xả súng ở thành phố Munich, Đức. Chỉ trong hơn 10 ngày qua, Tây Âu đã chứng kiến cuộc sống vốn bình yên của họ trở thành mục tiêu của các hành động khủng bố.

Cảnh sát Đức tăng cường canh gác tại trung tâm mua sắm Olympia
sau khi vụ xả súng đẫm máu xảy ra. (Nguồn: Zuma).

Khủng bố, tấn công khắp Tây Âu

Tuy rằng động cơ và tình tiết của mỗi vụ tấn công nhằm vào các nước châu Âu vừa qua khác nhau, nhưng chuỗi các sự kiện đẫm máu này không khỏi khiến giới chức tỏng khu vực đặt ra câu hỏi rằng: Liệu chủ nghĩa khủng bố có đang trở thành một thực tế trong cuộc sống mà châu Âu cần phải học để chấp nhận?

Theo các đánh giá ban đầu của chính quyền Đức về vụ tấn công xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước tại Munich do nghi phạm Ali David Sonbody thực hiện; kẻ này là một vị thành niên đang được điều trị tâm thần và có hứng thú một cách bệnh hoạn với những kẻ từng thực hiện các vụ thảm sát trước đây, trong đó có cả Anders Nehring Breivik - kẻ khủng bố thảm sát 77 người ở Na Uy cách đây tròn 5 năm.

Nếu đánh giá này được giữ vững, vụ tấn công ở Munich sẽ là một trường hợp đặc biệt - tấn công do bị tâm thần chứ không có liên hệ tới tổ chức khủng bố nào - trong một năm mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tục chỉ đạo hoặc kêu gọi tấn công khủng bố trên khắp khu vực châu Âu.

Giới chức Mỹ và châu Âu hiện đang rất thận trọng khi tìm hiểu vụ việc lần này bởi đánh giá trên có thể thay đổi trong những ngày tới. Nhưng các quan chức an ninh đều nhìn nhận rằng, chuỗi các vụ tấn công mang hơi hướng khủng bố xảy ra thời gian gần đây ở châu Âu và Mỹ cho thấy tầm quan trọng của việc cải thiện mạng lưới thu thập thông tin tình báo, cải thiện an ninh và kiểm soát chặt chẽ hơn những người có vấn đề về tâm thần.

“Chúng ta đang phải sống trong sự hoang mang, do không hiểu được đó là những kẻ khủng bố hay đơn giản chỉ là những người bị bệnh tâm thần” - một vị quan chức Mỹ tại châu Âu nói với tờ Wall Street Journal (WSJ) - “Nhưng dù là những kẻ cực đoan hay tâm thần thì chúng vẫn có thể khủng bố và thay đổi cuộc sống của mọi người. Vậy là chúng ta đang có tới 2 vấn đề, và phải giải quyết cả hai”.

Sau sự kiện xả súng ở Munich, Đức, giới chức an ninh châu Âu nói rằng hệ thống thông tin tình báo hiện tại của họ chỉ hữu hiệu trong việc lần ra các mạng lưới khủng bố, trong khi gần như vô tác dụng đối với những kẻ tấn công kiểu “sói đơn độc”. Bởi vậy mà họ bất lực trong việc ngăn chặn các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu không có sức bảo vệ, đặc biệt là những kẻ không nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát.

Để bảo vệ các mục tiêu mềm - như các nạn nhân thường dân trong vụ tấn công ở Nice hay Munich - châu Âu sẽ phải mở rộng sự hiện diện của lực lượng lính gác, các trạm kiểm tra an ninh - các bước mà từ lâu giới chức châu Âu đã không thèm ngó ngàng tới.

Mối đe dọa ở khắp nơi

Ngày nay, như một hậu quả, hàng loạt các mối đe dọa dồn dập xuất hiện, không chỉ từ những tổ chức khủng bố, thánh chiến mà còn từ những kẻ cực đoan cánh hữu… đã khiến cho các cơ quan tình báo và cảnh sát châu Âu chịu sức ép cực lớn.

Europol, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), trong tuần trước đã công bố một bản báo cáo về tình hình trong năm ngoái, trong đó cho thấy số lượng vụ bắt giữ những kẻ cực đoan Hồi giáo tăng đột biến, trong khi các vụ bắt giữ nghi phạm khủng bố có liên quan tới các tổ chức chủ nghĩa dân tộc thiểu số ở châu Âu cũng gia tăng nhanh.

“Xu hướng tổng thể đang diễn ra chính là cực đoan hóa đang diễn ra khắp nơi” - một quan chức an ninh châu Âu giấu tên nhận định - “Tôi không biết làm thế nào chúng ta mới ngăn chặn được xu hướng này”.

Hiện nay, giới chức Mỹ đang kêu gọi các cơ quan tình báo và lực lượng hành pháp châu Âu nhanh chóng thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin rộng rãi để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Cơ chế này không chỉ nhằm chia sẻ thông tin về những kẻ khủng bố, những kẻ có khả năng khủng bố mà còn nhiều thông tin khác.

Mỹ cho rằng nếu châu Âu chia sẻ với họ thông tin về những kẻ mà họ đang theo dõi, họ có thể lần dấu mối liên hệ giữa những cá nhân có tư tưởng cực đoan hay những kẻ khác có nguy cơ khủng bố tiềm ẩn. Họ cho rằng, ngay cả những kẻ tấn công kiểu “sói đơn độc” cũng thường phải nhờ tới sự giúp đỡ từ bên ngoài hay liên hệ với một số kẻ để lên kế hoạch tấn công.

Tuy nhiên, giới chức châu Âu lại lo ngại rằng việc phụ thuộc vào thông tin tình báo của Mỹ là xâm phạm quá mức.

Theo giới phân tích, để đối phó với tình trạng hàng loạt các mối đe dọa khủng bố gia tăng, châu Âu buộc phải lựa chọn giữa hai con đường. Một là, châu Âu, EU và NATO phải cùng nhau đầu tư vào mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên; và hai là họ phải trở về thời kỳ kiểm soát biên giới chặt chẽ để ngăn chặn dòng người di cư hữu hiệu hơn - đi ngược lại Hiệp ước tự do đi lại Schengen đầy tự hào của họ.

David Ali Sonboly, tay súng 18 tuổi mang 2 quốc tịch Đức-Iran, được cho là bị ám ảnh bởi việc xả súng hàng loạt dù chưa thấy có liên hệ nào với tổ chức phiến quân IS, cảnh sát Đức cho hay. Cảnh sát trưởng Munich, ông Hubertus Andrae, nhận định có liên hệ “rõ nét” giữa cuộc tấn công hôm thứ Sáu (22/7), với vụ thảm sát xảy ra cùng ngày cách đây 5 năm ở Na Uy khiến 77 người thiệt mạng.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/chu-nghia-khung-bo-pha-hoi-nong-vao-chau-au/112009