'Chủ nghĩa biệt lập của ông Trump tạo ra khoảng trống nguy hiểm tại Biển Đông'

Việc tỷ phú Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã thu hút được sự chú ý, theo dõi đặc biệt ở châu Á. Nhà nghiên cứu Valérie Niquet, Giám đốc trung tâm châu Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Pháp (IFRI), nhận định rằng chủ nghĩa biệt lập có thể tạo ra một khoảng trống nguy hiểm tại khu vực châu Á - nơi luôn tiềm tàng nhiều cuộc xung đột, đặc biệt là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nguy cơ xung đột đang bao trùm khu vực mặc dù các dấu hiệu cho thấy ít có khả năng xảy ra ngay lập tức như một số khu vực khác trên thế giới, nhưng vẫn đang hiện hữu. Những nguy cơ này có thể nhanh chóng tăng lên nếu nước Mỹ bỏ lại khoảng trống chiến lược do xác định lại lợi ích của Washington tại đây theo hướng chặt chẽ hơn.

Việc ông Trump đắc cử tạo ra khoảng trống nguy hiểm trong khu vực châu Á và gây ra nhiều tranh chấp, đặc biệt trên biển Đông. Ảnh: AFP

Việc cụ thể hóa ý tưởng về nhóm G2 (Trung-Mỹ) - được thành lập trên cơ sở mối quan hệ luôn có sự ngờ vực lẫn nhau, có thể gây ra những hậu quả to lớn đối với sự ổn định chiến lược tại châu Á. Việc này còn nghiêm trọng hơn cả những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump và những người thân tín của ông về việc Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh gần gũi của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, cần phải tự bảo vệ mình và không dựa vào Mỹ nữa.

Trái ngược với điều mà ông Trump dường như hy vọng, việc biến Nhật Bản thành một siêu cường quân sự có tiềm năng hạt nhân và đảm trách vai trò người "bảo vệ mới" trong sự ổn định của khu vực, sẽ rất khó thành hiện thực tại một đất nước dân chủ, mà ở đó việc thông qua những điều luật về quân sự dù rất nhỏ đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ. Và trong trường hợp ngược lại, việc Nhật Bản nổi lên là một siêu cường quân sự mới cũng gây ra những hậu quả phức tạp cho khu vực.

Chính sách mới của ông Trump có thể tạo ra bất ổn tại châu Á. Ảnh: AFP

Người ta có thể hình dung chính việc bầu ông Trump sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tokyo và Moskva từng bước xích lại gần nhau hơn. Việc thoát khỏi áp lực từ Mỹ, khiến Nhật Bản có thể thúc đẩy quá trình tìm kiếm một đồng minh cần thiết để đối trọng với Trung Quốc. Về phía Nga, nước này cũng nhìn thấy lợi ích trong việc tái cân bằng sức mạnh với Trung Quốc, do đó cũng tìm cách xích lại gần Nhật Bản một cách chủ động hơn.

Lan Hạ

(Theo Le Figaro)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201611/chu-nghia-biet-lap-cua-ong-trump-tao-ra-khoang-trong-nguy-hiem-tai-bien-dong-2756529/