Chủ động vùng nguyên liệu mía cho niên vụ mới

Từ cuối năm 2015, lần đầu tiên sau giai đoạn 5 năm thặng dư liên tiếp, ngành đường trong nước và thế giới chứng kiến chu kì phục hồi giá do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng. Bước vào niên vụ 2016-2017, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì.

Thu hoạch mía bằng máy tại Nông trường Thành Long, một trong các vùng nguyên liệu tập trung được canh tác theo mô hình Nông trường kiểu mẫu của TTCS

Trước nguy cơ ảnh hưởng bởi những tác động do biến đổi thời tiết, nhiều nhà máy trên cả nước đã chủ động triển khai các biện pháp chuẩn bị cho niên vụ mới.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cả nước hiện có 40 nhà máy đường (NMĐ) với tổng công suất thiết kế đạt 155.300 tấn mía/ngày. Dù được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong mùa vụ mới, một số nhà máy đường đã lên kế hoạch sản xuất cao hơn niên vụ mía đường 2015-2016. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho ngành đường cả nước trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực.

Do đặc thù yếu tố nguyên liệu chiếm đến trên 80% giá thành sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu bền vững và chất lượng là giải pháp tiên quyết cho ngành mía đường. Tổng hợp từ báo cáo của các nhà máy đường trên cả nước cho thấy, vụ 2016-2017, tổng diện tích vùng nguyên liệu các nhà máy có ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 239.100 ha, tăng 1.630 ha so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng ép mía 13,72 triệu tấn, cao hơn mức 12,93 triệu tấn của niên vụ trước; sản lượng đường đạt 1,52 triệu tấn, cao hơn so với 1,24 triệu tấn trong niên độ 2015-2016.

Trước diễn biến phức tạp của hạn mặn ở miền Trung Tây Nguyên và ngập cục bộ tại Đông Nam Bộ, mục tiêu nêu trên là một thách thức đối với các doanh nghiệp đường trên cả nước.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy, từ đó rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông dân, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng và trữ đường… Với nhiều doanh nghiệp có sự chuẩn bị bài bản, kế hoạch này đã sớm được triển khai để nâng cao khả năng chủ động về nguyên liệu, phục vụ sản xuất.

Với lợi thế địa hình cao, ít chịu ảnh hưởng của ngập lụt, khu vực Đông Nam Bộ đã kịp thời triển khai các biện pháp khai thông, mở rộng kênh mương, đầu tư thủy lợi nhằm tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động canh tác.

Hệ thống tưới Center Pivot tại Nông trường Thành Long

Tại một số nhà máy có quy mô lớn, công tác chuẩn bị cho mùa vụ mới được triển khai đồng bộ qua các khâu cơ giới hóa, tưới tiêu, quản lý thu hoạch và tổ chức cánh đồng lớn. Giải pháp này được nhà máy và nông dân cùng triển khai, từng bước khuyến khích mía chất lượng cao, tổ chức công tác nông nghiệp hợp lý để tối ưu hiệu quả như - kiểm soát đầu công và sắp xếp lịch thu hoạch, kiểm soát mía cháy, điều phối bao tiêu tập trung và linh hoạt, tập trung 100% nguồn lực máy để thu hoạch mía theo yêu cầu của nông dân vào lúc chính vụ…. Theo đó đảm bảo tính chủ động và năng suất, trữ đường của mía nguyên liệu.

Qua thực tế triển khai tại CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS thuộc Tập đoàn TTC) niên vụ này, tổng năng lực thu hoạch mía bằng máy đạt 3.500 tấn/9.500 tấn mía/ngày giúp giảm tổn thất khi thu hoạch 3-5% so các năm, giảm chi phí sản xuất. Tỉ lệ mía cháy giảm từ 15% (vụ 2014-2015) xuống còn 8% trong niên vụ 2015-2016, mục tiêu giảm xuống dưới 5% trong niên vụ này. Việc áp dụng kĩ thuật chặt sát gốc giúp tăng thêm 2-4 tấn/ha so với đốn chặt cao gốc trước đây, góp phần tăng năng suất thực thu và thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, công ty chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa, có chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư đồng bộ trong khâu làm đất, trồng mía, tưới tiêu, thu hoạch để có tăng năng suất và chất lượng mía, tiết giảm chi phí; đồng thời phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp đầu tư thủy lợi phục vụ vùng mía nguyên liệu, có chính sách bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường; quan tâm chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành mía đường.

Niên vụ 2015-2016, nhờ áp dụng tưới hữu hiệu trên 40% diện tích, năng suất mía tăng bình quân 20%, đạt quanh mức 80 tấn/ha, tổng sản lượng mía đạt 1.090.000 tấn, tăng khoảng 110.000 tấn so với cùng kỳ. Đồng thời, trước tình hình mưa lớn kéo dài, TTCS đã Jchủ động điều tiết thời gian vào vụ muộn hơn so với năm trước nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết, góp phần ổn định chữ đường và giảm chi phí trung chuyển mía cho nông dân.

Các chính sách này đã phần nào có tác động tích cực tới các hộ nông dân trong việc yên tâm gắn bó và ổn định với cây mía, thể hiện qua việc diện tích hợp tác trồng mía giữa các nhà máy và người dân duy trì ổn định qua các năm. Tổng diện tích đầu tư của TTCS tăng từ 12.000 ha lên 13.800 ha trong niên vụ 2015-2016.

Đặc biệt, việc tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu tập trung được xác định là giải pháp tiên quyết đối với thực tế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của ngành đường trong nước lâu nay, thông qua mô hình nông trường kiểu mẫu trên các cánh đồng mía lớn. Việc tổ chức canh tác sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng bộ đã góp phần tiết giảm đáng kể chi phí nhân công, vận chuyển, phân bón, trang thiết bị vật tư, giảm thiểu giá thành sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể tại nông trường TTC Thành Long, một trong các nông trường kiểu mẫu của TTCS, có tổng diện tích 1.026 ha, toàn bộ nông trường được trang bị hệ thống tưới tự động Center Pivot, máy móc cơ giới hiện đại, máy thu hoạch liên hợp tự động... Sản lượng dự kiến niên vụ 2016-2017 đạt 92.600 tấn, năng suất dự kiến đạt gần 100 tấn/ha, cá biệt có các diện tích đạt gần 150 tấn/ha, cao hơn so với mức trung bình 65 tấn/ha của cả nước.

Với hiệu quả thực tế đã được chứng minh qua hợp tác với các hộ nông dân tại nông trường Thành Long, nông trường Bến Cầu, nông trường Tân Hưng… và khu vực biên giới Campuchia, dự báo năng suất và sản lượng mía nguyên liệu của TTCS sẽ tăng trưởng ổn định, trên cơ sở áp dụng quyết liệt và đồng bộ các giải pháp cơ giới hóa, tưới hiện đại, quản lý thu hoạch hợp lý.

Với sự chuẩn bị này, câu chuyện kiểm soát và giảm thiểu ảnh hưởng diễn biến phức tạp của thời tiết, tiến tới mô hình sản xuất tập trung tiên tiến, đã và đang được chủ động triển khai, hướng tới các bước tiến dài hơn cho ngành đường trước ngưỡng cửa hội nhập.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chu-dong-vung-nguyen-lieu-mia-cho-nien-vu-moi-post179723.html