Chủ động ứng phó thường xuyên với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu không ít tác động tiêu cực từ những trở ngại của thiên nhiên như hiện tượng xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở…, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và đời sống người dân. Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là chuyện mới và tại Hội nghị toàn thể năm 2017 của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam mới đây, vấn đề này đã 'nóng' trở lại với cách nhìn cấp bách, toàn diện hơn.

Nhận diện thêm nhiều “nỗi lo”

Dẫn chứng những vụ sạt lở mới đây tại An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu…, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng, đó không phải hiện tượng riêng lẻ mà nằm trong khuynh hướng chung là sạt lở khắp nơi ở ĐBSCL. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt bùn, cát, lớp trầm tích ở sông, cửa biển. ĐBSCL là địa bàn giao thoa giữa quá trình sông từ thượng nguồn về và quá trình xâm thực của biển. Các tác động tích lũy từ sự gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn và BĐKH cực đoan đã tạo thành tác động kép lên toàn bộ ĐBSCL mà đỉnh điểm là đợt hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô 2016 và sạt lở nghiêm trọng, lún đất xảy ra ở nhiều nơi vừa qua. Tình trạng này sẽ ngày càng diễn biến xấu nếu các công trình thủy điện tiếp tục triển khai xây dựng ở dòng chính sông Mê Công.

Sạt lở nghiêm trọng ở bờ sông Tiền thuộc địa phận huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: PHAN HUY

Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học, BĐKH và nước biển dâng thì chúng ta đang có nhiều kịch bản, biện pháp thích ứng. Tuy nhiên, nếu các đập thủy điện trên dòng chính Mê Công được xây dựng dồn dập sẽ là một hệ thống rủi ro tích lũy theo không gian và thời gian, làm ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống hàng chục triệu người dân ở ĐBSCL. Các nhà khoa học đã công bố công trình nghiên cứu cho thấy việc các nước thượng nguồn sông Mê Công xây thủy điện đã tác động đến lĩnh vực nông nghiệp, sinh kế của người dân vùng hạ lưu sông Mê Công. Theo đó, tổng lượng phù sa, bùn cát và dinh dưỡng có thể bị giảm đến 65% ở khu vực Tân Châu-Châu Đốc (tỉnh An Giang) trong thời gian tới. Điều này kéo theo sự giảm sút năng suất sinh học, sản lượng nông nghiệp, làm gia tăng sạt lở và ảnh hưởng tới diễn biến bồi lắng vùng ven sông và ven biển. Mặt khác, việc khai thác cát dọc sông Tiền, sông Hậu tràn lan khiến sự thâm hụt của cán cân trầm tích thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng góp phần làm mặt đất đồng bằng sụt lún. Những tác nhân này sẽ làm cho việc thích ứng với BĐKH của khu vực ĐBSCL ngày càng khó khăn hơn.

Từ thực tế địa phương, đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp có hơn 120km sông Tiền đi qua và theo khảo sát của Viện Kỹ thuật biển mới đây, có đến gần 100km bờ sông bị sạt lở. UBND tỉnh Đồng Tháp vừa công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Tiền. Vùng ĐBSCL hiện nay không chủ động được nguồn nước mặt. Chất lượng nước mặt hiện nay đã suy giảm đáng kể do ô nhiễm chất hữu cơ, nước không còn nhiều phù sa, đa dạng sinh học bị suy giảm. Mực nước ngầm thấp hơn với trước đây và lượng nước đầu nguồn về ít hơn. Do vậy, mọi hoạt động can thiệp nguồn nước ở sông Mê Công cần được đánh giá tác động môi trường trên toàn lưu vực, trước mắt, trung hạn và dài hạn.

Cập nhật “kịch bản” thường xuyên

Trước những diễn biến phức tạp của BĐKH và các tác nhân chủ quan, khách quan đan xen, theo các chuyên gia, ở ĐBSCL cần phải xây dựng vùng chứa nước, thiết lập hệ thống giám sát vùng xói lở, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch tổng thể lưu vực sông mang tính liên vùng, liên ngành; chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ khai thác cát và nguồn nước ngầm. Lãnh đạo các địa phương ĐBSCL đề nghị cần thường xuyên thu thập số liệu, thông tin để chủ động xây dựng “kịch bản” đồng bộ nhằm ứng phó, tránh tâm thế bị động, trông chờ. Trong đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, tham mưu trong hợp tác Mê Công của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Đồng chí Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, ĐBSCL cần đẩy mạnh chủ động ba mũi cơ bản: Chủ động quản trị nguồn nước, chủ động tạo sinh kế và hỗ trợ nhà ở an toàn cho người nghèo và các thành phần dễ bị tổn thương, ổn định vững chắc kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, tăng cường tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Từ Trung ương đến địa phương cần có những đánh giá kịp thời để các tỉnh, thành phố bổ sung vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho phù hợp từng giai đoạn, nhất là chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.

Từ góc độ nhà khoa học, theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Ủy viên Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam, nước sông Mê Công là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực, nhưng nước ngọt không còn là “của trời cho” và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai. Các nước trong lưu vực sông Mê Công phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. ĐBSCL chịu ảnh hưởng lớn của dòng sông Mê Công nên trong việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái của vùng này, Việt Nam cần sự chia sẻ, đồng hành của các nước. Đồng thời, cần có sự trao đổi thông tin xuyên quốc gia về vấn đề BĐKH, cùng chung tay thực hiện.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho rằng, những vấn đề hiện hữu theo kịch bản BĐKH đặt ra với khu vực ĐBSCL đang thực sự là mối lo ngại cho sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng và đời sống của người dân. “Chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên mà cần phát huy trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững cho ĐBSCL. Bên cạnh tiếp tục áp dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý, hợp tác quốc tế với các nước thượng nguồn sông Mê Công theo đúng thông lệ quốc tế đối với dòng sông xuyên quốc gia, vấn đề cấp bách là các địa phương phải hành động ngay với quyết tâm cao. Các địa phương không thể hoạt động riêng lẻ mà cần thường xuyên thông tin, hỗ trợ, kế thừa kinh nghiệm lẫn nhau trong xây dựng “kịch bản” và thực tiễn ứng phó BĐKH”, đồng chí Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chu-dong-ung-pho-thuong-xuyen-voi-bien-doi-khi-hau-508381