Chủ động trong ôn thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2017, các trường đã bắt tay ngay vào việc ôn tập “nước rút” cho học sinh.

Do kỳ thi có nhiều đổi mới nên việc ôn tập cho học sinh được các trường đổi mới không ngừng. Theo nhiều giáo viên, việc ôn tập cho học trò không chỉ gói gọn trong sách vở mà phải mở rộng ra cả thực tế cuộc sống…

Chuẩn bị sớm cho học sinh

Theo chia sẻ của lãnh đạo Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), dù trường đang trong quá trình xây mới, thầy trò phải dạy và học tạm ở cơ sở của Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp nhưng việc học tập vẫn giữ ổn định.

Nhìn chung mặt bằng trình độ học sinh của trường khá đồng đều nhưng vẫn có một số học sinh học lực yếu. Cô Trần Thị Lụa - Hiệu trưởng - cho biết:

Đối với các em học sinh có năng lực yếu kém, nhà trường tổ chức ôn thi cho các em từ rất sớm (từ ngày 20/2 đến ngày 20/4). Đối với các em học sinh còn lại sẽ ôn thi đợt thứ hai, từ ngày 20/4 đến 30/5.

Còn Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) cũng sớm xác định “điểm yếu” là trình độ học sinh không đồng đều, chất lượng đầu vào thấp nên việc ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức được trường chủ động thực hiện sớm.

Trường đặc biệt quan tâm ôn tập cho những học sinh yếu, kém và có nhiều giải pháp động viên, giúp đỡ. Theo thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng, trường đã chuẩn bị sớm từ khi có dự thảo quy chế thi được Bộ công bố.

Trước hết là làm tốt công tác tư tưởng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh để tạo sự yên tâm trong việc học tập và ôn luyện. Nhà trường cũng đã 3 lần tổ chức sinh hoạt với phụ huynh và học sinh về kỳ thi này để tạo điều kiện học hành, ôn thi thật tốt. Hiện nay việc ôn tập của các em đang vào giai đoạn nước rút, thầy trò đang cố gắng để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ - cho biết: Sau khi kiểm tra học kỳ II vừa qua, các em học sinh khối 12 làm bài thi với cấu trúc đề thi và thời lượng môn thi do Bộ GD&ĐT ban hành cho thấy các em không quá bỡ ngỡ với việc thi theo tổ hợp; phụ huynh, học sinh cũng thấy yên tâm hơn.

Sở đang tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị tổ chức thi ở các quận, huyện. Đặc biệt là quan tâm đến việc ôn tập cho học sinh làm sao để các em yên tâm, tiếp thu kiến thức tốt và không bị áp lực.

Bên cạnh đó phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ban, ngành địa phương hỗ trợ các điểm thi được tổ chức trên địa bàn; tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất, nhân lực hỗ trợ cho các điểm thi khi có yêu cầu…

Không chỉ học trong sách vở

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên và học sinh, sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề tham khảo, thầy trò đã nghiên cứu rất kỹ. Theo đó, bộ đề tham khảo lần này vừa sức với các em học sinh đặt mục tiêu đạt 5 - 6 điểm để xét tốt nghiệp nhưng lại “khó nhằn” với những học sinh muốn đạt điểm trên 7 để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Trong đó, bộ đề tham khảo đảm bảo các kiến thức trong sách giáo khoa, kết hợp với một số kiến thức thực tế và được sắp xếp theo thứ tự nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao. Đối với những câu hỏi nằm trong phần vận dụng cao, có nhiều em học sinh làm không đúng hoặc lạc đề.

Để đảm bảo kiến thức cho học sinh đủ sức vượt qua Kỳ thi THPT quốc gia, một số trường cho các em làm bài thử theo từng môn và sau đó cho các em thi thử theo tổ hợp môn mà các em đã đăng ký trước đó. Đây là cách các trường đánh giá năng lực của học sinh và phát hiện được những chỗ hổng kiến thức để tập trung bồi dưỡng kịp thời.

“Với dạng đề thi Bộ vừa công bố, thầy trò nhà trường sẽ tập trung nghiên cứu đề thật kỹ để có hướng ôn tập phù hợp. Kỳ thi đang đến gần, việc công bố đề tham khảo sẽ giúp các giáo viên dạy khối 12 có thêm rất nhiều gợi ý về hướng xây dựng, biên soạn các đề ôn luyện.

Đây cũng là một căn cứ để khẳng định rằng, cần phải nỗ lực ôn tập tốt, học sinh không thể học tủ, học vẹt lại càng không thể ghi nhớ kiến thức một cách máy móc để kiếm điểm…” - Thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ), cho biết.

Ngoài việc ôn thi, mỗi lớp 12 của Trường THCS - THPT Phú Quới (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) còn được phân công thêm một giáo viên là “phó chủ nhiệm”.

Theo cô Phan Hoàng Tú Nga - Phó Hiệu trưởng, hiện tại công việc của giáo viên chủ nhiệm lớp 12 rất nặng nên cần có người chia sẻ. Cuối tháng 5, trường sẽ tổ chức cho các em thi thử, để đánh giá lại tình hình học sinh và cho các em ôn thi nước rút…

Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường THPT, việc dạy, học và ôn tập cho học sinh để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia đã được triển khai từ rất sớm. Do kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới, đặc biệt là môn thi và hình thức thi nên thầy trò không thể đợi “nước đến chân mới nhảy”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chu-dong-trong-on-thi-thpt-quoc-gia-3330783-b.html