Chủ động triển khai phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả

Phòng, chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, quân đội là lực lượng chủ lực, nòng cốt. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp, toàn quân luôn chủ động, sẵn sàng các phương án, kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện tham gia giúp đỡ nhân dân PCTT có hiệu quả. Trong bão giông, nắng lửa, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cứu giúp nhân dân, làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, khí hậu thời gian qua, để phát huy sức mạnh tổng hợp, khả năng thực hiện nhiệm vụ PCTT của toàn quân, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 689/NQ-QUTW về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đã tham mưu cho Chính phủ và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện sát đúng, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Cùng với kiện toàn tổ chức, biên chế, lực lượng, công tác huấn luyện, đào tạo, diễn tập, đầu tư trang thiết bị cho công tác PCTT cũng được quan tâm, đầu tư đồng bộ, hiệu quả, từng bước hiện đại. Toàn quân luôn duy trì nghiêm nền nếp trực CHCN ở các cấp; chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời với thiên tai, sự cố và tìm kiếm, cứu nạn (TKCN). Trong năm 2016, toàn quân đã huy động hơn 137.700 cán bộ, chiến sĩ (hơn 61.270 bộ đội, gần 68.560 dân quân tự vệ), 11.102 lượt phương tiện, trang bị làm nhiệm vụ. Các đơn vị phối hợp tìm kiếm, cứu nạn 2.112 vụ, cứu được 4.868 người và 289 phương tiện. Bộ Quốc phòng còn kịp thời hỗ trợ nhiều kinh phí, vật chất và cấp 30 tấn lương khô cho nhân dân vùng lũ lụt ở miền Trung. Các đơn vị đã giúp nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long 153.975m3 nước sạch, đào đắp, nạo vét 56,7km kênh mương, 973 giếng nước để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt... Những việc làm thiết thực và ý nghĩa đó được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ đội Sư đoàn 968 tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Văn Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Ảnh: Tuấn Linh

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố ở nước ta tiếp tục diễn biến bất thường, theo chiều hướng cực đoan, trái quy luật. Các hiện tượng như: Bão (siêu bão), mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, rét hại cùng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước… sẽ diễn ra nhiều hơn, kéo theo sự gia tăng về dịch bệnh, tai nạn, sự cố, đe dọa đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đời sống của nhân dân. Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò chủ lực, nòng cốt, nâng cao hiệu quả PCTT, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ PCTT, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu thời bình của quân đội. Trên cơ sở quán triệt, triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCTT và TKCN giai đoạn 2016-2020; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Nghị quyết số 689/NQ-QUTW của Quân ủy Trung ương và các chỉ thị của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị tập trung làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để có những giải pháp PCTT trên các địa bàn. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức lực lượng CHCN các cấp trong toàn quân, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức lực lượng CHCN các cấp theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, nhằm tạo sự thống nhất trong tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Quá trình thực hiện cần coi trọng kiện toàn cả hệ thống cơ quan CHCN, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm các cấp và các lực lượng khác trên địa bàn.

Chủ động xây dựng, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án ứng phó ở từng cấp và tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, nâng cao hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, dự kiến sát, đúng các tình huống có thể xảy ra để có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng xử lý hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành khảo sát nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là những đặc điểm về địa chất, địa hình, dân cư; độ bền vững của các công trình đê điều, hồ, đập thủy lợi, thủy điện; các khu vực xung yếu để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án cho phù hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và toàn dân theo phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT. Các đơn vị tăng cường huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm xung kích trong PCTT. Tăng cường luyện tập, diễn tập theo những kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Trong đó, chú trọng nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các lực lượng trong xử lý những tình huống về thiên tai, sự cố trên từng khu vực, địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, xung yếu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, việc tăng cường, mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế đã, đang là giải pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố và CHCN. Thời gian tới, quân đội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về huấn luyện, đào tạo, quản lý, phòng ngừa thiên tai. Chú trọng hợp tác về mua sắm, đầu tư trang, thiết bị CHCN hiện đại, cùng phương thức chuyển giao công nghệ sử dụng, bảo quản nhằm phát huy tối đa tính năng, tác dụng của phương tiện, góp phần nâng cao năng lực PCTT của quân đội trong tình hình mới.

Thiếu tướng TRƯƠNG ĐỨC NGHĨA, Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn; Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-trien-khai-phong-chong-thien-tai-kip-thoi-hieu-qua-507940