Chủ động trấn áp tội phạm, mang lại niềm tin cho nhân dân

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tập trung trấn áp các loại tội phạm, khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng, góp phần ổn định xã hội, trong đó có những vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Trong các vụ án này, lực lượng Công an không chỉ đưa các đối tượng phạm tội ra trước pháp luật, thu hồi một lượng lớn tài sản thất thoát cho Nhà nước, mà còn đem lại niềm tin cho người dân về quyết tâm và sự nghiêm minh trong phòng chống tội phạm.

Góp phần ổn định xã hội

Trong những năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao... có xu hướng gia tăng, tính chất của tội phạm manh động, liều lĩnh hơn, gây án dã man, tàn bạo. Trước tình tình đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát nhân dân tập trung trấn áp các loại tội phạm, khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng, góp phần ổn định xã hội.

Công an huyện Than Uyên, Lai Châu triển khai kế hoạch trấn áp tội phạm hình sự . Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Thực hiện nhiệm vụ của ngành, lực lượng Cảnh sát Hình sự đã mưu trí, dũng cảm, triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ trọng án như: vụ giết 6 người cướp tài sản ngày 7/7/2015 tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; vụ giết 4 người ngày 2/7/2015 tai Bản Phồng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An; vụ giết 4 bà cháu tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; triệt phá băng cướp sử dụng vũ khí nóng gây ra hàng loạt vụ cướp tiệm vàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do Lê Anh Kiệt cầm đầu; chuyên án 1012T đấu tranh, triệt phá băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” do Phạm Khắc Tú (tức Tú “kỷ”) cầm đầu tại Hưng Yên.

Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động phát hiện, xác lập và đấu tranh triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn, có vũ trang, đặc biệt là trên các tuyến địa bàn trọng điểm, điển hình như: chuyên án 113T do Tráng A Tàng ở Mộc Châu, Sơn La cầm đầu mua bán, vận chuyển trái phép 2.181 bánh heroin, 633 viên ma túy tổng hợp; chuyên án 211H triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy do Tráng A Chư cầm đầu, thu giữ 552 bánh heroin, 1.972 viên ma túy tổng hợp; chuyên án 415T triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái ma túy từ Lào về Việt Nam đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, thu 490 bánh heroin...

Trước thực tế xuất hiện ngày càng nhiều tội phạm sử dụng công nghệ, gây thiệt hại không nhỏ cho tổ chức và cá nhân, lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua Internet. Có thể thấy được chiến công của lực lượng này qua chuyên án B6-16 triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua Internet do Nguyễn Văn Đoàn cầm đầu với số tiền hơn 190 tỷ đồng; chuyên án HQ2015 triệt phá nhóm đối tượng người Hàn Quốc (ở Việt Nam) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 1.800 bị hại với số tiền gần 4 tỷ Won (khoảng 80 tỷ đồng); chuyên án 814K đấu tranh với nhóm đối tượng kinh doanh sàn vàng trái phép, lừa đảo chiếm đoạt gần 478 tỷ đồng...

Vấn đề đảm bảo an ninh môi trường đang ngày càng được xã hội quan tâm. Trước đòi hỏi từ thực tiễn, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã chủ động nắm tình hình, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, như: vụ nhà máy Tung Kuang ở Hải Dương; vụ nhà máy rượu cồn ở Quảng Ngãi; vụ Công ty cổ phần giấy Việt Trì ở Phú Thọ vi phạm xả thải làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, nguồn nước nhiều sông, hồ, kênh rạch.

Để giữ bình yên cho xã hội, lực lượng cảnh sát đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã làm tốt công tác đăng ký, quản lý cư trú, tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xã hội; Cảnh sát Giao thông đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng; phối hợp với các cấp, các ngành và vận động nhân dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đã tập trung giải quyết những vấn đề nổi lên về cháy, nổ; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn; tăng cường kiểm tra, rà soát, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở các cơ sở trọng điểm có nhiều nguy cơ về cháy nổ và nơi tập trung đông người.

Lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp giáo dục, cảm hóa và trả lại tự do cho hàng vạn phạm nhân được trở về với cộng đồng; Cảnh sát cơ động tập trung huấn luyện, xây dựng và diễn tập các phương án, bảo đảm an toàn các cơ quan đầu não, công trình trọng điểm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, các chuyến hàng đặc biệt, các sự kiện chính trị lớn của đất nước; nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng cơ động chiến đấu, không để bị động, bất ngờ.

Phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn

Nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục cảnh sát và Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã điều tra làm rõ nhiều vụ án kinh tế lớn, trong đó có những vụ án kinh tế trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Trong các vụ án này, lực lượng Công an không chỉ đưa các đối tượng phạm tội ra pháp luật, thu hồi một lượng lớn tài sản thất thoát cho Nhà nước, mà còn đem lại niềm tin cho người dân về quyết tâm và sự nghiêm minh trong phòng chống tội phạm.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (hàng đầu, thứ tư từ bên trái) nghe Tòa tuyên án. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng như: vụ Huỳnh Thị Huyền Như làm giả giấy tờ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Ngân hàng Viettinbank thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng; vụ lừa bán 600 căn hộ Cienco 5 Land thu hơn 800 tỷ đồng; vụ Phạm Thanh Bình ở Vinalais; vụ Nguyễn Đức Kiên ở Ngân hàng ACB; vụ Hà Văn Thắm ở Ngân hàng Đại Dương; vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng; vụ Trịnh Xuân Thanh ở Công ty cổ phần xây lắp dầu khí PVC...

Trực tiếp tham gia điều tra và chỉ đạo điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, Thiếu tá Phạm Văn Thành, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn và Điều tra án kinh tế xâm phạm sở hữu (Phòng 10), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) cho biết: Qua các vụ án đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các quy định pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Từ đó, lực lượng chức năng đã đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, nhất là quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng, về phát hành trái phiếu, về đầu tư, sở hữu chéo, xuất nhập khẩu hàng hóa...

Thiếu tá Phạm Văn Thành đánh giá việc phá các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua đã góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; góp phần lập lại trật tự quản lý kinh tế trong một số lĩnh vực kinh tế, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/chu-dong-tran-ap-toi-pham-mang-lai-niem-tin-cho-nhan-dan-20170819142948173.htm