Chủ động quản trị rủi ro từ nợ công

Sáng 16-6, thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần chủ động quản trị rủi ro từ nợ công, đặc biệt là các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh, cho vay lại. Các đại biểu cũng cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị sự nghiệp công lập để quản trị rủi ro…

Xác định phạm vi nợ công thế nào cho hợp lý?

Khái niệm nợ công là vấn đề cơ bản và rất quan trọng, vì qua đó sẽ xác định được phạm vi nợ công mà dự luật sẽ điều chỉnh. Bởi thế, đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Khoản 14, Điều 3 dự luật quy định: “Nợ công là khoản phải hoàn trả, bao gồm gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan, phát sinh từ việc Chính phủ vay trực tiếp, chủ thể vay được Chính phủ bảo lãnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép vay vốn theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ chưa đồng tình về phạm vi nợ công quy định tại dự luật. “Nợ công còn phải bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước, nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-PV) phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, nợ Chính phủ vay từ các quỹ... Một khi các cơ quan này bị rủi ro thì Nhà nước có đứng ra làm “bà đỡ” không, nếu có thì các khoản vay đó được gọi là nợ gì, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu”, đại biểu nói.

Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) là dự án vay ODA, được tính vào nợ công. Ảnh: TTXVN

Cơ bản đồng tình với dự thảo luật về phạm vi nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cũng đề nghị xem xét thêm về những khoản nợ mà Chính phủ không bảo lãnh, như những khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước hoặc của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Trên danh nghĩa, các khoản vay của doanh nghiệp là tự vay, tự trả, nhưng các doanh nghiệp này thường nhận được sự “hỗ trợ mềm” của Chính phủ dưới các hình thức như bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ. Nguồn hỗ trợ này cuối cùng cũng đều góp phần vào việc tăng chi tiêu ngân sách, ảnh hưởng tới nợ công. Đại biểu nêu ví dụ: “Nợ của Vinashin tại các ngân hàng thương mại thì Chính phủ vẫn phải bỏ ra một phần tiền để bù đắp, đồng thời cũng đã chuyển một phần nợ sang cho Vinalines và PVN, bổ sung vốn tiền từ ngân sách Nhà nước, tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ đồng lên 14.655 tỷ đồng”.

Cũng có quan điểm gần giống với đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) thống nhất với dự luật về việc không tính vào nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế Nhà nước, nợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, nợ phát sinh trong quá trình điều hành ngân sách… Tuy nhiên, đại biểu lại chưa đồng ý với việc dự luật không quy định nội dung giám sát các khoản nợ không tính vào nợ công, vì Nhà nước hoặc ngân sách Nhà nước vẫn phải gánh chịu rủi ro từ các khoản nợ này. Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp công lập thực tế không thể phá sản vì chưa có quy định phá sản đối với chủ thể này. Doanh nghiệp Nhà nước khi không trả được nợ có thể phá sản, nhưng tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí đi vay, rủi ro cao, vay phải trả cao, người lao động mất việc làm, các khoản nợ không trả được sẽ thành nợ xấu của ngân hàng… Nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia nên cần phải có quy định trong luật để giám sát và Nhà nước phải có giải pháp mang tính chính sách để quản trị rủi ro này. Các nội dung khác như nợ xây dựng cơ bản, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ mang tính điều hành… cần được quy định rõ trong dự luật theo hướng phải xử lý dứt điểm trong năm ngân sách. Khi có rủi ro xảy ra, Nhà nước hoặc ngân sách Nhà nước vẫn phải gánh chịu theo thông lệ quốc tế.

Hạn chế rủi ro từ nợ công

Năm 2016, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó đặt ra yêu cầu về hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công, yêu cầu bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Bởi vậy, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng rất quan tâm tới nội dung này.

Để hạn chế rủi ro về nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị đưa toàn bộ danh mục nợ công về một đầu mối để nhanh chóng có được bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, thay vì phải ghép nhiều mảnh như hiện nay. Nên phục vụ tốt hơn trong công tác phân tích nợ, giảm rủi ro của nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, có thể gộp các khoản vay nhỏ thành các khoản vay lớn, giảm các đầu mối tài chính trung gian, từ đó giảm chi phí vay.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (đoàn Tiền Giang) kiến nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể điều kiện chi tiết và chỉ tiêu tài chính cụ thể tương ứng với những nhóm đối tượng vay lại để giảm rủi ro của khoản vay. Đại biểu đề nghị lưu ý đến độ tin cậy thông tin đánh giá xếp hạng doanh nghiệp và những dự án mà Nhà nước bảo lãnh do những nhiệm vụ chính trị-xã hội, không vì mục tiêu kinh tế nhằm giúp cho nợ công được sử dụng đúng mục đích và tăng tính khả thi, tăng tính hiệu quả.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chu-dong-quan-tri-rui-ro-tu-no-cong-510131