Chủ động phòng, chống thiên tai

Cách đây 64 năm, ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70/SL thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê (nay là Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam được triển khai có tổ chức từ Trung ương tới địa phương. Thể theo nguyện vọng của ngành phòng, chống lụt bão và đông đảo nhân dân cả nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 89/HĐBT lấy ngày 22-5 hằng năm là Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam. Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai không chỉ là dịp để tôn vinh những người làm công tác phòng, chống thiên tai mà còn để nhắc nhở mọi người hãy chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Đây cũng là dịp để những tổ chức trực tiếp tham gia công tác phòng, chống thiên tai cùng nhau rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho mùa mưa bão đầy thách thức phía trước.

Nước ta hiện nằm trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới, với những loại thiên tai phổ biến là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm, có khoảng 750 người chết và mất tích do thiên tai, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP. Theo dự báo của các chuyên gia về môi trường, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai với tần suất nhiều hơn, cường độ mạnh hơn do chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm nay, với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đang chỉ đạo các địa phương thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu xây dựng đề án về cơ cấu tổ chức theo hướng thành lập cơ quan chuyên trách ở Trung ương và một số đơn vị chuyên trách ở các bộ liên quan, để đảm nhiệm các nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước xác định là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai cũng được các đơn vị quân đội coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực tế trong suốt 64 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, lực lượng Quân đội đã có những đóng góp xứng đáng trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, kịp thời có mặt ở những nơi, những vùng khó khăn, nguy hiểm nhất sát cánh cùng nhân dân chống chọi với thiên tai và khắc phục hậu quả, thiên tai, tai nạn như bão lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cháy nổ, cháy rừng… Trong bão lũ, hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ’’ càng tỏa sáng, được chính quyền và nhân dân cả nước tin yêu. Trước diễn biến phức tạp và khó lường của thời tiết, khí hậu, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ở Việt Nam đòi hỏi ngày càng khẩn trương, cấp bách. Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng tiên phong trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai càng phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Cấp ủy và chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò trách nhiệm của quân đội trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức huấn luyện, diễn tập chu đáo, có phương án đối phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra. Dù đóng quân ở đâu, các đơn vị cũng cần hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan để tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án đã được phê chuẩn, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao. Thiên tai ngày càng phức tạp, khó dự đoán và hậu quả do nó gây ra cũng thật khó lường, nhưng nếu chủ động phòng, chống thì nhất định chúng ta có thể giảm thiểu được tác hại./. QĐND

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/112794/Default.aspx