Chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc

Những đợt rét đậm, rét hại đang tràn về miền bắc, miền trung, làm người dân không khỏi âu lo, khi cũng đợt rét tương tự, kéo dài trước đây, đã làm hàng chục nghìn con trâu, bò, ngựa, dê... bị chết vì rét.

Thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội, mà còn khiến nhiều gia đình ở vùng nông thôn, miền núi đã rơi vào cảnh tay trắng, khi trâu, bò bị đói và chết rét. Sở dĩ vẫn còn tình trạng gia súc, gia cầm bị chết nhiều trong mùa đông, trước hết là do công tác phòng, chống rét ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền núi vẫn chưa được chủ động. Trong khi đó, các đợt rét đậm, rét hại liên tục diễn ra trong thời gian dài, dẫn đến sức khỏe của gia súc, gia cầm bị giảm sút, rất dễ nhiễm bệnh và chết do đói, rét. Mùa đông, hầu hết các loại cỏ tự nhiên đều sinh trưởng chậm hoặc tàn lụi, trong khi đó thức ăn dự trữ không đủ cung cấp cho toàn bộ đàn gia súc, mặt khác, nhiều hộ chăn nuôi không có khả năng bổ sung thức ăn tinh cho gia súc. Nông dân ở nhiều nơi chủ yếu chăn nuôi theo phương thức chăn thả, dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên, nhưng khi mùa đông đến, nguồn thức ăn này không thể bảo đảm cho chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi còn chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, chuồng trại không kiên cố, che chắn qua loa, nhất là tại một số nơi vẫn còn tập quán thả rông gia súc trên rừng, đồi.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết trong thời gian tới có nhiều biến đổi phức tạp, sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng sản xuất, chăn nuôi. Để chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, ngành chức năng của Trung ương và các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống rét gia súc, gia cầm tại các địa bàn trọng điểm. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền như họp thôn, bản, cần khuyến cáo đến các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn thô, xanh cho gia súc từ trước mùa rét. Phổ biến các phương pháp chế biến thức ăn cho vụ đông; gia cố, che chắn chuồng trại; hướng dẫn người dân cho vật nuôi ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng; vận động người dân không thả rông gia súc.

NGUYỄN NAM (Sơn La)

Cần thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước đối với Vườn quốc gia Xuân Sơn

Từ năm 2002, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn đã được Nhà nước công nhận là Vườn quốc gia Xuân Sơn có diện tích 15.048 ha và 16.639 ha vùng đệm thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có ba phân khu chức năng gồm: Khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 9.099 ha, khu phục hồi sinh thái 5.737 ha và phân khu dịch vụ hành chính 212 ha. Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện còn lưu giữ một diện tích lớn rừng cây gỗ lớn, quý hiếm, phủ xanh kín trên núi đá vôi, núi đất nguyên sinh với nhiều cảnh quan hang động, thác nước kỳ vĩ làm say đắm lòng người. Đây thật sự là một bảo tàng sống lưu giữ, bảo tồn hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú có thể coi là nhất Việt Nam. Về vị trí địa lý, Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở điểm cuối dãy núi Hoàng Liên Sơn, gần quần thể danh lam thắng cảnh di tích lịch sử đền Hùng, cách Hà Nội 120 km. Thời tiết ở đây luôn thay đổi theo bốn mùa trong ngày, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch, nghỉ dưỡng và tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Dao, Mường hiện đang sinh sống trong vườn.

Hiện nay, Vườn quốc gia Xuân Sơn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ quản lý với tổng biên chế theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu là 30 người, trong đó có một đội chuyên trách bảo vệ rừng tại gốc gồm 14 người. Mô hình vườn quốc gia trực thuộc sở làm cho Vườn quốc gia Xuân Sơn thiệt thòi là không có hạt kiểm lâm làm công tác bảo vệ rừng đặc dụng, cho nên việc tuần tra bảo vệ vườn rừng trong địa bàn bị chia cắt mạnh và việc xử lý những vi phạm gặp rất nhiều khó khăn vì lực lượng chuyên trách bảo vệ Vườn quốc gia Xuân Sơn là lực lượng năm không: không quân trang, quân phục, không công cụ hỗ trợ, không vũ khí quân dụng, không chế tài và không có chế độ ưu đãi ngành nghề, trong khi nhiều vườn quốc gia khác trong cả nước vẫn có hạt kiểm lâm. Hơn nữa, dù vị trị địa lý rất thuận lợi về giao thông đi lại, thuận lợi về tiềm năng phát triển du lịch, nhưng do việc quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn không đúng chức năng đã làm cho tỉnh Phú Thọ mất đi một nguồn thu từ du lịch để tái tạo và phát triển vốn rừng và không tạo thêm được việc làm cho người lao động.

Được biết, tại Điểm 2, Điều 14 của Nghị định 117/2010/NĐ-CP, ngày 24-12-2010 của Chính phủ quy định rõ: "Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý Nhà nước đối với hệ thống rừng đặc dụng; trực tiếp quản lý các vườn quốc gia; phân cấp quản lý các khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan". Rõ ràng việc tỉnh Phú Thọ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn như hiện nay là chưa đúng với các quy định của pháp luật. Đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ nhanh chóng tiếp nhận quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn, trước mắt thành lập ngay Hạt Kiểm lâm của vườn, thực hiện các chế độ đối với cán bộ kiểm lâm để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý bảo vệ và phát triển Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồng thời khai thác tiềm năng của vườn phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/y-kien/ch-ng-phong-ch-ng-ret-cho-an-gia-suc-1.387522