Chủ động neo đậu tàu, thuyền tránh bão

Cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão trong năm, bài học từ vụ chìm tàu vận tải VTB 26 đặt ra cho các lực lượng chức năng, bên cạnh việc làm tốt công tác thông báo, hướng dẫn, cần có các biện pháp kiên quyết, triệt để, mạnh mẽ hơn trong việc duy trì tàu thuyền hoạt động trên biển chấp hành nghiêm yêu cầu tránh, trú bão...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngay sau khi nhận được thông tin về cơn bão số 2 diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền; để chủ động giúp nhân dân phòng chống bão, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và gia đình, chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn 65.766 phương tiện với 263.793 người; 7.098 lồng, bè, lều, chòi canh với 8.885 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú, nhờ đó đã giảm bớt thiệt hại do cơn bão gây ra.

Mặc dù các cấp, các ngành, quân đội và lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp chủ động, quyết liệt phòng chống, nhưng tính đến ngày 18-7, hậu quả do cơn bão số 2 gây ra vẫn đã làm 4 người chết, 5 người mất tích, 21 người bị thương. Trong đó, đáng lưu ý là vụ chìm tàu vận tải VTB 26 với 13 thuyền viên bị nạn tại vùng biển Nghệ An. Để cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã phải điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và 6 tàu (Cảnh sát biển 2 tàu, Biên phòng 4 tàu) phối hợp với 9 phương tiện của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam và địa phương tổ chức tìm kiếm tại hiện trường, nhưng vẫn còn nhiều thuyền viên mất tích...

Bộ đội Biên phòng Nam Định giúp dân neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão số 2. Ảnh: Hữu Hệ

Đây là thiệt hại lớn xảy ra trên biển trong mùa mưa bão năm nay, nhắc nhở mọi người dân, nhất là ngư dân trên biển không thể chủ quan, xem nhẹ việc phòng ngừa. Thực tế những năm qua, nhất là mùa mưa bão năm 2016, do các lực lượng chức năng chủ động làm tốt công tác kêu gọi tàu, thuyền tránh trú bão, ngư dân, chủ phương tiện chủ động phối hợp, tự giác thực hiện nên trong hầu hết các cơn bão xảy ra đều đã không gây ra hậu quả thiệt hại về người. Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác, phòng ngừa vẫn còn trong một số người dân, cần được giáo dục, tuyên truyền.

Cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão trong năm, bài học từ vụ chìm tàu vận tải VTB 26 đặt ra cho các lực lượng chức năng, bên cạnh việc làm tốt công tác thông báo, hướng dẫn, cần có các biện pháp kiên quyết, triệt để, mạnh mẽ hơn trong việc duy trì tàu thuyền hoạt động trên biển chấp hành nghiêm yêu cầu tránh, trú bão. Các tàu, thuyền vãng lai di chuyển qua lại trên vùng biển của các đơn vị, địa phương quản lý cũng cần phải tự giác tuân thủ các biện pháp phòng tránh bão để bảo đảm an toàn. Cùng với sự hỗ trợ thông tin, giúp đỡ của các lực lượng chức năng, từng chủ phương tiện, ngư dân phải nêu cao ý thức cảnh giác, đề phòng, tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, hạn chế thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra.

VŨ HOÀNG ÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-neo-dau-tau-thuyen-tranh-bao-513033