Chủ động kế hoạch trong bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá GV tiếng Anh

(GD&TĐ)- Sáng nay (21/4), tại trường CĐ Hải Dương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh Tiểu học năm 2011 đạt chuẩn B1- B2 khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

(GD&TĐ)- Sáng nay (21/4), tại trường CĐ Hải Dương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh Tiểu học năm 2011 đạt chuẩn B1- B2 khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Đây là hội nghị được trường CĐ Hải Dương tổ chức với với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chính quyền địa phương, Sở GD-ĐT Hải Dương nhằm đánh giá những việc đã làm được sau hơn 1 năm phối hợp, triển khai thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, rút ra những kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai Đề án trong những năm tiếp theo.

Hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học năm 2011 đạt chuẩn B1- B2 khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của trường CĐ Hải Dương. Ảnh, gdtd.vn

Trường CĐ Hải Dương là một trong số 18 đơn vị đầu tiên trong cả nước đủ các điều kiện năng lực được Bộ GD-ĐT chỉ định triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Năm 2011, theo đúng tiến độ được giao, nhà trường đã và đang tiến hành chương trình bồi dưỡng cho 74 giáo viên Tiếng Anh Tiểu học của hai Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh đạt trình độ B2 theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu.

Theo kế hoạch, khóa bồi dưỡng Tiếng Anh nâng cao năng lực từ B1 lên B2 gồm 400 tiết (300 tiết bồi dưỡng trực tiếp, 100 tiết tự nghiên cứu trên máy tính) và 180 tiết bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giảng dạy Tiếng Anh Tiểu học, thực hành tại các trường thực hành; khóa học học liên tục trong 5 tháng. Lớp tập huấn đã hoàn thành phần bồi dưỡng năng lực Tiếng Anh và đang bắt đầu triển khai phần bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy.

Có 8 giảng viên của trường CĐ Hải Dương đã trực tiếp tham gia giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên, trong đó có 4 thạc sỹ. Các giảng viên này có thâm niên giảng dạy từ 3 đến 15 năm.

Khóa bồi dưỡng sử dụng các tài liệu giảng dạy theo chuẩn Châu Âu để phát triển 4 kĩ năng nghe, nói, đọc viết cho giáo viên; đồng thời sử dụng thêm các tài liệu luyện thi TOEFL và IELTS. Khóa học sẽ phối hợp với Đại học Hà Nội tổ chức kiểm tra, đánh giá ngoài hoàn toàn khách quan.

Ban thường trực Đề án ngoại ngữ 2020 của trường khách quan đánh giá, khóa học thực sự hữu ích cho người học. Đội ngũ giảng viên có năng lực và giàu kinh nghiệm giảng dạy, tâm huyết, tích cực nhiệt tình, trách nhiệm cao trong bồi dưỡng học viên. Đa số học viên có ý thức trách nhiệm và tích cực trong học tập...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh, gdtd.vn

Để triển khai thực hiện Đề án, nhà trường đã kịp thời trang bị cơ sở vật chất hiện đại và nhân lực phù hợp với yêu cầu đặt ra của Đề án. Song song với đó là có sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác triển khai bồi dưỡng giáo viên giữa nhà trường và hai địa phương có giáo viên được bồi dưỡng là Hải Dương và Bắc Ninh;

Về phía chính quyền, Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 tại Hải Dương đã nhận được sự ủng hộ lớn lao, vào cuộc kịp thời từ chính quyền địa phương.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Đặng Thị Bích Liên khẳng định, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương đến năm 2020” tại quyết định số 210/QĐ-UBND. Trung tâm tin học- ngoại ngữ trường CĐ Hải Dương, là một đơn vị trực thuộc của trường Cao Đẳng Hải Dương đã được chỉ định triển khai thực hiện bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học.

Theo bà Liên, để đào tạo những thế hệ nhân lực của tỉnh Hải Dương có thế mạnh về ngoại ngữ nhằm tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới và hợp tác, phát triển kinh tế phải tích cực, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ; muốn vậy phải chuẩn hóa, nâng cao trình độ giáo viên Tiếng Anh theo chuẩn khung tham chiếu năng lực Tiếng Anh của Châu Âu. “Hải Dương không thể duy trì lâu hơn tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ năng lực Tiếng Anh tiếp tục giảng dạy…” bà Liên khẳng định.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Bích Liên đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương phải kiểm đếm được số lượng giáo viên cần đào tạo lại trình lên để UBND tỉnh Hải Dương có kế hoạch dài hơi bố trí, phân bổ nguồn ngân sách dành cho công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh…

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thăm một lớp bồi dưỡng GV Tiếng Anh tại trường CĐ Hải Dương. Ảnh, gdtd.vn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, yêu cầu tối thiểu cho giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp Tiểu học là phải có Chứng nhận phương pháp sư phạm tiếng Anh tiểu học và năng lực Tiếng Anh đạt trình độ B2 theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu.

Theo quan điểm triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT, trước mắt, nơi nào có đủ điều kiện về bồi dưỡng giáo viên mới được Bộ chỉ định triển khai thực hiện.

Với trường CĐ Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của đơn vị trong việc trang bị cơ sở vật chất hiện đại, chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để triển khai khóa bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học đúng tiến độ.

Khẳng định rằng, hiện nay số lượng giáo viên chưa chuẩn về năng lực Tiếng Anh ở các cấp Tiểu học, THCS, các TTGDTX và cao hơn là cả THPT tại Hải Dương còn rất lớn, do vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị: trường CĐ Hải Dương phải phối kết hợp tốt với Sở GD-ĐT Hải Dương lên kế hoạch dài hơi trong bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nhà trường phải chú trọng, chủ động trong việc xây dựng đội ngũ kiểm tra đánh giá giáo viên Tiếng Anh; trước mắt đội ngũ nhà trường chưa đủ năng lực đánh giá giáo viên Tiếng Anh theo chuẩn khung tham chiếu Châu Âu thì phải liên kết với các tổ chức trong nước có đủ năng lực để thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá. Đồng thời với đó là học hỏi, xây dựng đội ngũ kiểm tra, đánh giá của trường lớn mạnh, đủ trình độ, kinh nghiệm tiến tới tự kiểm tra, đánh giá năng lực giáo viên Tiếng Anh các bậc theo khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ của Châu Âu.

Song song với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nhà trường phải cử giáo viên đi đào tạo một cách bài bản, chính quy, dài hạn về đánh giá năng lực giáo viên Tiếng Anh theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu tại nước ngoài để chủ động kế hoạch trong bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá giáo viên Tiếng Anh…./.

Bá Hải

,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/3005/201204/Chu-dong-ke-hoach-trong-boi-duong-kiem-tra-danh-gia-GV-tieng-Anh-1960787/