Chủ động đối thoại, hỗ trợ người lao động

Ngày 30.8, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành đã chủ trì Lễ Ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo về kết quả chương trình phối hợp thực hiện giữa hai cơ quan trong giai đoạn 2011 - 2015, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Thời gian qua, Sở LĐTBXH Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (LĐ), nhằm nâng cao ý thức pháp luật, tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam.

Hằng năm, số lượt NLĐ và người sử dụng LĐ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về LĐ khoảng 400.000 lượt người và số lượt doanh nghiệp (DN) được tuyên truyền, phổ biến khoảng 10.000 lượt DN với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể...

Qua đó, đã phát hiện nhiều sai phạm cần chấn chỉnh trong việc thực thi các quy định của pháp luật về LĐ và công đoàn; đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân, đơn vị được thanh tra, điều tra nghiêm túc khắc phục những sai phạm, đảm bảo pháp luật LĐ, Luật Công đoàn được thực thi hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Ngoài ra, trong công tác phối hợp giải quyết tranh chấp LĐ tập thể và đình công, Sở LĐTBXH Hà Nội và LĐLĐ Thành phố đã phối hợp hiệu quả trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các bên tiến hành thương lượng, đối thoại trực tiếp để các vụ việc sớm được giải quyết nhanh chóng, giữ được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN. 5 năm qua (2011-2016), hai bên đã hỗ trợ giải quyết gần 70 cuộc ngừng việc tập thể và đình công.

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành, Sở LĐTBXH và LĐLĐ Thành phố đã ký Văn bản Liên tịch số 39/LĐTBXH-LĐLĐ ngày 20.1.2014 hướng dẫn LĐLĐ cấp quận, huyện, thị xã cách thức đại diện cho tập thể người LĐ ở những DN chưa có tổ chức CĐ cơ sở khi tham gia ý kiến vào nội dung Nội quy lao động, nhằm hạn chế những quy định bất lợi cho người LĐ, đồng thời đảm bảo điều kiện về trình tự thủ tục xây dựng và đăng ký Nội quy lao động của DN với cơ quan quản lý Nhà nước về LĐ. Theo đó, bình quân mỗi năm có khoảng trên 600 DN được Sở LĐTBXH xem xét, hướng dẫn xây dựng nội quy LĐ.

Theo chương trình ký kết giữa LĐLĐ Thành phố và Sở LĐTBXH Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, hai đơn vị sẽ phối hợp tham gia xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến người LĐ; nắm tình hình hoạt động của DN, việc làm, đời sống của người LĐ và đề xuất Thành phố có biện pháp hỗ trợ; hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật LĐ, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ và giải quyết các vướng mắc về chế độ chính sách đối với người LĐ. Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật LĐ, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật ATVSLĐ tại DN và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành phố và Tổ công tác Liên ngành, giải quyết các vụ ngừng việc tập thể, đình công không đúng quy định của pháp luật nhằm hạn chế thấp nhất các cuộc tranh chấp LĐ tập thể, lãn công và đình công, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ.

Theo chương trình đã ký, định kỳ hai bên sẽ phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại với người LĐ, DN nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật LĐ, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ...

Đánh giá về chương trình phối hợp giữa hai bên, Giám đốc Sở LĐTXH Hà Nội Khuất Văn Thành khẳng định: Trên cơ sở 8 nội dung và 11 vấn đề Sở LĐTBXH và LĐLĐ Thành phố đã ký kết trong giai đoạn 2016-2021, hai bên sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành phố về chủ trương, chính sách với người LĐ; phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết đình công, tranh chấp LĐ tập thể, đặc biệt là chủ động tổ chức đối thoại, giải đáp thắc mắc về chính sách cho người LĐ, góp phần tạo quan hệ LĐ hài hòa trong DN.

Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị: Thời gian tới, mong rằng Sở LĐTBXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ Thành phố trong việc tổ chức đối thoại với người LĐ mà gần đây nhất là cuộc đối thoại về lương tối thiểu được tổ chức vào tháng 12.2016; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện pháp luật LĐ, nhất là chất lượng bữa ăn giữa ca, góp phần đảm bảo sức khỏe và quyền lợi tốt nhất cho NLĐ.

Bảo duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-kiem-tra-dam-bao-quyen-loi-cho-lao-dong-41665.html