Chủ động đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình mới

Để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo viên là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình, theo đó các trường sư phạm trên cả nước đang phải thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo giáo viên.

Giáo viên cần phải thay đổi để phù hợp với chương trình mới. Ảnh ST.

Cần lượng giáo viên lớn

Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lý Chiêu Hòa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục TP.Quy Nhơn (Bình Định) bày tỏ: “Dự thảo quy định chậm nhất đến năm học 2022-2023 các trường tiểu học phải tổ chức dạy học hai buổi/ngày là rất khó khăn. Ví dụ, ở Quy Nhơn hiện có 666 lớp tiểu học, nếu giữ nguyên số lượng lớp này thì trong sáu năm tới cần xây thêm hơn 230 phòng học mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đây là con số lớn, khó thực hiện được. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong bố trí giáo viên. Cụ thể, nhiều giáo viên lớn tuổi không thể đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn khi tiến hành đổi mới chương trình trong các trường”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nội dung các môn học được đưa ra trong chương trình tổng thể sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những cơ sở đào tạo giáo viên kỹ thuật. Bởi nhu cầu giáo viên không chỉ dành cho các trường phổ thông, mà khi thực hiện chương trình mới theo định hướng phân luồng từ THCS sẽ có nhiều học sinh không tiếp tục lên học trung học phổ thông mà sẽ qua các trường nghề. Như vậy nhu cầu giáo viên cho các trường nghề cũng rất lớn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện và chuyển hướng để phát triển năng lực phẩm chất người hóc. Như vậy, chương trình mới sẽ thay đổi toàn bộ từ triết lý đến nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá và điều kiện thực hiện. Bên cạnh đó, chương trình cũ dạy đơn môn với các tiết rất rời rạc, còn chương trình mới là tổng hợp kiến thức, tăng cường năng lực, có một số môn tích hợp nên đòi hỏi giáo viên phải được bồi dưỡng, đào tạo lại cho phù hợp.

Để có giáo viên phù hợp theo chương trình mới, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện soát 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở mức nào so với chuẩn mới, từ đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Từ tháng 9/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành đào tạo giáo viên cốt cán, sau đó sẽ mở rộng ra toàn đội ngũ giáo viên

Đối với đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giao cho 7 trường đại học sư phạm làm nòng cốt, hơn 100 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ làm vệ tinh cho việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên ở các địa phương. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường sư phạm tự thay đổi, chủ động đào tạo giáo viên các môn học mới.

Chủ động thay đổi phương pháp đào tạo

Trước yêu cầu đổi mới đào tạo, nhiều trường sư phạm trên cả nước đã chủ động lên kế hoạch đào tạo giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông từ nhiều năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, các trường đại học sư phạm đã chủ động ngồi lại với nhau để lên phương án xây dựng chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Từ năm 2014, các trường sư phạm trên cả nước đã thống nhất xây dựng phương pháp đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp. Hiện tại có 7 trường sư phạm trên cả nước sử dụng 70% chương trình đào tạo giáo viên theo chương trình mới do trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng. “Thời điểm đó, chúng tôi đã dự tính môn học mới theo xu thế giới và Việt Nam không thể đi riêng, những chuyên đề như tích hợp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ cũng đã có sự chuẩn bị phần nào”, ông Minh cho biết.

Ông Minh cũng khẳng định: “Một số môn liên quan về nghệ thuật cũng đã được trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặt ra, nên sinh viên sư phạm tốt nghiệp từ năm 2018 ở các khoa, ngành này sẽ đảm bảo chất lượng để dạy theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Các trường sư phạm đã và đang vào cuộc quyết liệt nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên theo chương trình mới không quá lo lắng”.

Đối với giáo viên đang giảng dạy tại các trường, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã chuẩn bị các chuyên đề bồi dưỡng. Hiện tại, nhà trường cũng đang rà soát chất lượng giáo viên để thực hiện bồi dưỡng trong giai đoạn tới. “Từ đó, giáo viên có thể yên tâm rằng, khi có chương trình mới các trường sư phạm sẽ thực hiện bồi dưỡng lại cho giáo viên để có thể đảm đương được việc giảng giảng dạy chương trình mới. Chúng tôi sẽ làm khảo sát đối với các giáo viên đang giảng dạy, những gì giáo viên cần và còn thiếu thì những trường sư phạm sẽ bù đắp cái đó”, ông Minh khẳng định.

Ông Minh cũng nhận định: “Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa kết thúc, mà việc xây dựng chương trình bao giờ cũng là một quá trình, do đó, các trường sư phạm phải tiếp tục đổi mới làm sao để thích ứng với yêu cầu của chương trình mới”.

Về việc đào tạo giáo viên phù hợp với chương trình mới, ông Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Hiện nay, nhà trường đã chủ động xây dựng một số chương trình đào tạo theo chuẩn mới. Trường cũng đã thành lập ban cố vấn là các chuyên gia lâu năm trong giảng dạy sư phạm nghệ thuật, để tư vấn trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình đào tạo. “Chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai chương trình mới cho đội ngũ giảng viên của nhà trường, đội ngũ này sau đó sẽ làm nhiệm vụ đào tạo các khóa sinh viên sư phạm nghệ thuật và bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên nghệ thuật hiện có trong cả nước”, ông Phượng cho hay.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chu-dong-dao-tao-giao-vien-dap-ung-yeu-cau-chuong-trinh-moi.aspx