Chủ đầu tư nói gì về quy trình, kỹ thuật xử lý?

Cuối năm 2016, nhiều cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động xử lý rác ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Công ty VWS) làm chủ đầu tư.

Tổng cục Môi trường có quyết định xử phạt và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã quyết định cho người dân tham gia giám sát định kỳ khu liên hợp này. Trong quá trình xử lý, khắc phục, hiện nay chủ đầu tư đã có ý kiến giải trình, khẳng định nỗ lực làm đúng quy trình, kỹ thuật xử lý.

Xây dựng công trình bảo vệ môi trường

Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty VWS cho biết: Công ty đã nhanh chóng khắc phục các bất cập cho dù kết luận của Tổng cục Môi trường còn một số vấn đề có thể giải trình thêm. Với công suất xử lý rác thải 5.000 tấn/năm, VWS phải đầu tư nhiều công trình để triển khai quy trình xử lý rác khép kín. Từ khi triển khai dự án, căn cứ vào tiến độ và tình hình phát sinh, Công ty VWS đều đầu tư các công trình, hạng mục để kịp thời vận hành, xử lý theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào tháng 5-2015. Hơn nữa, trong giai đoạn này, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Khu liên hợp triển khai tiếp nhận rác từ bãi rác Phước Hiệp sau khi đóng cửa.

Tham quan mô hình quy trình xử lý rác thải tại Khu liên hợp Đa Phước (TP Hồ Chí Minh).

Một tác động khách quan khác là từ tháng 5 đến tháng 10-2015, mưa với lưu lượng lớn tăng đột biến đã làm tăng lượng nước rỉ rác. Để giải quyết vấn đề này, từ cuối năm 2015, công ty đã nhanh chóng đánh giá thực trạng, tập trung nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý nước rỉ rác và tìm nhà thầu để tiến hành đàm phán nâng công suất xử lý nước thải. Các chuyên gia Hoa Kỳ của VWS cùng với đội ngũ kỹ sư trong nước đã nghiên cứu các công nghệ xử lý nước rỉ rác và tiến hành đầu tư nâng công suất xử lý nước thải theo công nghệ màng lọc sinh học (MBR) với công suất từ 1.000m3/ngày lên 3.000m3/ngày, nâng tổng công suất xử lý nước thải từ 4.280m3/ngày lên 6.280m3/ngày. Giữa tháng 2-2016, Công ty HydroScience Asia đã thực hiện thiết kế và thi công module mở rộng của Nhà máy xử lý nước thải MBR với công suất 2.000m3/ngày với tổng đầu tư gần 10,5 triệu USD.

Hoạt động nâng cấp này giúp giải quyết được lượng nước thải phát sinh và thực hiện đúng như cam kết trong báo cáo tác động môi trường là xây lắp thêm module xử lý nước thải tùy thuộc vào lượng nước thải phát sinh trong giai đoạn nâng công suất. Ngày 2-4-2016, Đoàn kiểm tra đã đến khu liên hợp để kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường theo Quyết định số 260/QĐ-TCMT của Tổng cục Môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, VWS đã hoàn thành xây dựng lớp lót đáy của ô chôn lấp số 3 và đang chuẩn bị mặt bằng, tập kết vật tư xây dựng module mở rộng của Nhà máy xử lý nước thải MBR.

Kết quả quan trắc khu vực chứa nước thải rỉ rác bảo đảm

Tổng cục Môi trường cho rằng, khu liên hợp không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2. Tại thời điểm kiểm tra ngày 2-4-2016, VWS vẫn đang lưu chứa nước thải tại hai hồ tập trung nhưng do ảnh hưởng của mưa lớn, làm tăng lượng nước rỉ rác, để tránh xảy ra sự cố rò rỉ nước thải ra bên ngoài, VWS phải chủ động giải quyết bằng cách sử dụng ô chôn lấp số 2 để lưu chứa tạm nước thải trong khi chờ xử lý. Việc lưu trữ tạm này bảo đảm an toàn cao nhất vì các hồ chứa này được xây dựng đúng quy chuẩn kỹ thuật. Điều này đã được khẳng định khi Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường thực hiện đo đạc, lấy mẫu đất, không khí vào ngày 23-4-2016 đã cho kết quả phân tích chất lượng đất ô chôn lấp số 2 ở các độ sâu 1m và 3m, hàm lượng các chỉ tiêu kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép và không thay đổi so với tính chất thổ nhưỡng môi trường nền ban đầu khi chưa có hoạt động của khu liên hợp. Kết quả đo đạc, phân tích chất lượng môi trường không khí bên trong và bên ngoài ô chôn lấp số 2 cho thấy hàm lượng các chỉ tiêu đặc trưng cho môi trường tại khu vực chứa nước thải rỉ rác cũng nằm trong giới hạn cho phép…

Nước xả thải chất lượng như thế nào?

Để giám sát tự động chất lượng nước thải đầu ra, VWS đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại cống xả TW1 và TW2, quan trắc tự động theo đúng quy định. Cả hai hệ thống cũng đã được Trung tâm Quan trắc môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn và kiểm định. Do đó, việc đoàn kiểm tra kết luận nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần… là vấn đề cần làm rõ hơn.

Theo như kết quả lấy mẫu đối chứng cùng thời điểm của Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường (ETM) và Phòng thí nghiệm nội bộ của VWS thì hai kết quả của ETM và VWS hoàn toàn khác với kết quả của Viện Công nghệ môi trường do đoàn kiểm tra chỉ định lấy mẫu. Theo đó, các thông số của mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải MBR đều đạt quy chuẩn cho phép. Để tiếp tục kiểm chứng rõ hơn, tháng 3-2017, Công ty VWS đã thuê thêm một đơn vị độc lập là Viện Nước và Công nghệ môi trường (WETI). ETM và WETI thực hiện lấy các mẫu nước thải sau xử lý và đều cho kết quả phân tích tương tự, khác với các chỉ tiêu mà đoàn kiểm tra đã yêu cầu Viện Công nghệ môi trường thực hiện ngày 2-4-2016.

Công ty VWS cho biết, đã hai lần có văn bản đề nghị được làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để nêu rõ toàn bộ sự việc nhưng vẫn chưa nhận được trả lời. Công ty đã và đang nỗ lực triển khai xử lý rác và từng bước đầu tư xây dựng các công trình thuộc dự án đúng cam kết, góp phần giải quyết yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: CÔNG MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/chu-dau-tu-noi-gi-ve-quy-trinh-ky-thuat-xu-ly-509890