Chủ đầu tư nhận trách nhiệm vụ chết người do lọt cống: Phải xử lý hình sự!

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên số ra ngày 23.10 đăng bài Sinh mạng và Vụ chết người do lọt hố ga công trình: Chủ đầu tư nhận trách nhiệm.

Tính mạng con người bị xem nhẹ

Tính mạng con người quá bị xem nhẹ, nhất là khi gần đây có nhiều chuyện đau lòng xảy ra. Trẻ con ra đường lúc trời mưa ngập nước làm trôi xuống cống chết, đến cả người lớn cũng ngã xuống hố ga khiến thiệt mạng, rồi trời mưa lội nước ngập bị điện giật chết... Thế nhưng, chẳng thấy ai chịu trách nhiệm một cách cụ thể mà chỉ xin nhận trách nhiệm chung chung rồi rút kinh nghiệm sâu sắc.

Theo tôi, hành vi thi công cẩu thả, dẫn đến chết người là vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải xử lý thích đáng. Xử lý nghiêm cá nhân sai phạm còn là biện pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân và các đơn vị liên quan, từ đó mới giảm đi những hậu quả đau lòng.

Nguyễn Văn Nhật (Q.Tân Bình, TP.HCM)

VIDEO: Người đàn ông đón xe buýt té cống không rào chắn chết oan uổng

Xem lại thiết kế hố ga

Nhân chuyện này, tôi cũng đề nghị xem lại cách thiết kế và bố trí các miệng hố ga ngay trên đường. Ở các nước phát triển, nắp cống không bao giờ được thiết kế nằm giữa đường như VN mà họ đặt sát trên vỉa hè. Tại VN, nắp cống thường được bố trí gần giữa đường, ngay đúng vị trí xe thường chạy qua, giống như ở đường làng vậy. Sau thời gian sử dụng, nắp cống bị bể, lún, gập ghềnh nên tai nạn thường xuyên xảy ra. Có lẽ nên có cuộc khảo sát và nghiên cứu chỉnh sửa cho hợp lý và an toàn hơn.

Lê Thanh Tùng (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Vô trách nhiệm

Đây là một kiểu làm vô trách nhiệm và cẩu thả, để miệng cống mở giữa đường mà không rào chắn, cảnh báo, dẫn đến gây hậu quả chết người. Vì thế, ngoài chuyện buộc nhà thầu thi công phải đền bù thỏa đáng cho gia đình nạn nhân thì cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ, xác định ai là người đã tháo rào chắn và phải xử lý thật nghiêm, nếu không muốn những sự việc tương tự tiếp diễn.

Nguyễn Hoàng Phúc (TX.Dĩ An, Bình Dương)

Làm sao chấm dứt

Gây ra hậu quả chết người rồi nhận trách nhiệm thì quá đơn giản. Vấn đề là ai dám cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng tương tự. Theo tôi, để chấm dứt tình trạng này, trước hết cần phải xử lý thật nghiêm vụ việc này, cần điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trần Sơn Lâm (H.Củ Chi, TP.HCM)

Điều đáng buồn là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chết người đau lòng mà nguyên nhân là do sự tắc trách của những người có trách nhiệm. Để xảy ra hậu quả rồi đền bù, xin lỗi, nhận trách nhiệm thì đã quá muộn. Tiền bạc, lời xin lỗi hay sự chịu trách nhiệm cũng không thể làm người chết sống lại được. Vậy nên cần phải có biện pháp như thế nào để những chuyện như vậy không còn xảy ra nữa.

Nguyễn Minh Thủy (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Làm gì thì cũng phải đặt mạng sống con người lên trên hết, phải ý thức được tai nạn chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không thể chấp nhận cách lý giải là những người thi công chỉ bỏ đó một chút đi uống nước được. Dù chỉ một chút thì tai nạn cũng hoàn toàn có thể xảy ra, người thi công phải thừa hiểu chuyện đó. Mong rằng sau vụ này, nhà nước có biện pháp chấn chỉnh để người dân không còn lo sợ mỗi khi ra đường.

Nguyễn Hồng Loan (Q.12, TP.HCM)

T.T - Sơn Hải (thực hiện)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/chu-dau-tu-nhan-trach-nhiem-vu-chet-nguoi-do-lot-cong-phai-xu-ly-hinh-su-758027.html