Chốt thêm lãi cho nhà đầu tư BOT: Người dân trả?

Khi chưa giải quyết triệt để các lùm xùm về BOT mà lại tiếp tục đề xuất tăng thêm lợi nhuận cho nhà đầu tư là không công bằng với người dân.

Đề xuất vô lý

Mới đây trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT cho biết quy định của Thông tư 166/2011 của Bộ Tài chính, trong các hợp đồng BOT, lợi nhuận của các nhà đầu tư được khống chế ở mức 11%-12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu và không được tính lãi trong thời gian xây dựng.

Để thu hút các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhất là các dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận trên lên 14%.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Trưởng bộ môn Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM đánh giá, đề nghị trên của Bộ GTVT với nhã ý là chiều chuộng thêm cho các nhà đầu tư BOT.

Tuy nhiên theo ông Nga, lâu nay đã có nhà đầu tư nào kêu ca về lợi nhuận đâu mà Bộ lại “bỗng dưng” lên tiếng đứng về phía các chủ đầu tư BOT?

Tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT lên 14%?

“Điều này là khá bất thường. Tuy nhiên, theo lý thuyết kinh tế thì việc đề ra mức tỷ suất lợi nhuận là bình thường khi nhà nước can thiệp vào việc định giá của nhà độc quyền. Để doanh nghiệp không làm dụng vị thế độc quyền thì nhà nước cần phải điều tiết độc quyền.

Việc đề xuất của Bộ GTVT là một trong các hình thức nhà nước can thiệp đề giảm thiểu sức mạnh thị trường của nhà độc quyền. Tuy nhiên cần có một đơn vị độc lập để tính toán các chi phí hợp lý của doanh nghiệp, thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp…Như vậy mới có tính minh bạch và cạnh tranh”, ông Nga nhấn mạnh.

TS, Luật sư Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng không ủng hộ đề xuất trên của Bộ GTVT.

Ông Tín nhận định, thời gian qua các dự án BOT có quá nhiều hạn chế, đặc biệt là cách thu của các chủ đầu tư khiến người dân và dư luận phản ứng. Có nơi nhà đầu tư thu giá cao quá hoặc thời gian thu ngắn quá. Điều này dẫn tới mức trả phí của người dân phải trả rất cao.

“Bây giờ đề xuất tăng lợi nhuận của nhà đầu tư BOT lên 14% thì chưa thật sự hợp lý. Trong bối cảnh chưa giải quyết được triệt để các lùm xùm về BOT mà lại tiếp tục đề xuất tăng thêm phần lợi nhuận cho chủ đầu tư là không công bằng với người dân.

Việc này rất khó để thuyết phục người dân và chắc chắn sẽ bị dư luận phản đối”, TS Tín nhấn mạnh.

Vì sao ưu ái nhà đầu tư?

TS Bùi Quang Tín dẫn lại khảo sát thực tế về BOT cho thấy, vốn tự có của nhà đầu tư BOT chỉ chiếm một phần rất nhỏ - mang tính tượng trưng là chính. Thậm chí có dự án nhà đầu tư tham gia theo kiểu “tay không bắt giặc” khi số vốn tự có chiếm 10% đến 15% trên tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi tình trạng này vẫn đang gây bức xúc, việc tăng mức lợi nhuận lên tới 14% lại càng giúp nhà đầu tư rộng cửa hơn để vay ngân hàng, tái diễn tình trạng tay không bắt giặc khiến cho mức phí có thể bị đẩy lên cao hơn.

“Hiện nay các công trình xây dựng, nguồn vốn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp nên việc xã hội hóa các dự án đòi hỏi phải thực hiện nhanh chóng. Có thể Bộ GTVT vì áp lực đó mà ưu ái các chủ đầu tư. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta tiến hành chỉ định thầu, không công khai minh bạch với các nhà đâu tư.

Dự án BOT Cai Lậy vừa rồi các cơ quan có giải thích việc chỉ định thầu vì thời gian quá gấp. Tuy nhiên tôi thấy như vậy không hợp lý. Vấn đề chỉ định thầu sẽ không công khai, minh bạch và cuối cùng người thiệt hại lớn nhất là người dân.

Đáng lẽ con đường Cai Lậy không được tính phí, người dân phải được đi lại bình thường. Đấy là điều bất cập”, ông Tín nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga cũng cho rằng, việc Bộ GTVT đứng ra bảo vệc quyền lợi cho các nhà đầu từ BOT có khả năng do áp lực về nguồn vốn và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, trong khi ngân sách nhà nước căng ra nhiều nhiệm vụ khác nhau.

“Việc chỉ định thầu cũng không vị phạm qui định về BOT nhưng cần làm rõ và công khai việc chỉ định thầu một cách khách quan và minh bạch. Tuy nhiên đây là lỗ hổng của chính sách và thể chế và là một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng chính sách và lobby hậu trường”, ông Nga nói thêm.

Giải quyết vấn đề lợi ích nhóm

Với những gì đang diễn ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga cho rằng, có nhóm lợi ích đang chi phối các dựa án BOT. Theo ông Nga, người làm chính sách phải hài hòa giữa lợi ích của chủ đầu tư và xã hội, nhất là của người dân và các doanh nghiệp liên quan khác.

“Với cơ chế chính sách và con người như hiện nay thì việc các doanh nghiệp BOT là sân sau của một số chính trị gia là chuyện đương nhiên ở một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Chuyện không có nhóm lợi ích và sân sau mới là điều lạ và bất thường. Không một sớm một chiều phá bỏ nhóm lợi ích này”, ông Nga nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, TS Bùi Quang Tín khẳng định, Bộ GTVT và cơ quan nhà nước cần phải xử lý triệt để 3 vấn đề sau.

“Thứ nhất, không được phép chỉ định thầu vì việc này rất dễ dẫn đến vấn đề lợi ích nhóm.

Thứ hai, làm sao hạn chế được mức thấp nhất tình trạng các nhà đầu tư tay không bắt giặc, vay ngân hàng khiến giá cả đội lên.

Thứ ba, giám sát chặt chẽ vấn đề đặt trạm và quản lý các chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, khai thác dự án hay khi hết thời gian triển khai dự án chúng ta cũng cần phải quản lý chặt chẽ để công khai, minh bạch”, TS Tín khẳng định.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chot-them-lai-cho-nha-dau-tu-bot-nguoi-dan-tra-3343438/