Chốt phương án sân bay Tân Sơn Nhất: Có 'quên' sân golf?

Các thông số kinh tế, kỹ thuật của phương án báo cáo tháng 5/2017 cơ bản không thay đổi. Vấn đề sân golf trong sân bay vẫn chưa được nhắc đến.

Nhiều phương án đưa ra khập khiễng, vô lý

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Phương án tháng 5).

Là người theo sát vụ việc, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông TP.HCM bày tỏ nhiều suy nghĩ trước phương án vừa được Bộ GTVT đưa ra.

Theo TS Phạm Sạnh, trước tình trạng quá tải diễn ra khá nhanh, từ giữa năm 2016, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trong lúc sân bay Long Thành vẫn còn đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo Chính phủ, Bộ GTVT và Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không Bộ Quốc phòng (ADCC) đã tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tháng 1/2017 báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng 3 phương án, đến đầu tháng 2/2017 báo cáo 6 phương án (bổ sung 3 phương án 2B, 2C và 2D). Sau đó tiếp tục bổ sung thêm phương án 3B nâng tổng số lên 7 phương án để chuẩn bị trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Các thông số kinh tế, kỹ thuật của phương án báo cáo tháng 5/2017 cơ bản không thay đổi. Vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được nhắc đến.

“Nhìn chung các phương án này khác nhau rõ ở chỗ: lấy sân golf hay không lấy sân golf, có mở thêm một đường bay số 3 hay không, có nhà ga T5 hay không, quy mô nhà ga T4, vị trí các nhà ga mới T3-T4 (phía Nam, phía Bắc, cả Nam lẫn Bắc).

Công suất dao động từ 43 triệu hành khác/năm đến 80 triệu hành khách/năm. Sơ bộ tổng mức đầu tư từ 20.000 tỷ đồng đến 200.000 tỷ đồng. Thời gian thi công thấp nhất là 3 năm và nhiều nhất là 15 năm. Giải tỏa nhà dân từ không giải tỏa đến phải giải tỏa 140.000 hộ.

Qua nhiều lần bổ sung báo cáo, phương án 3 vẫn là phương án “lý tưởng”, chi phí chỉ 20.000 tỷ đồng, thi công trong 3 năm, chỉ sử dụng một phần đất quân đội không phải giải tỏa nhà dân, công suất 43 đến 45 triệu hành khách/năm. Lại đáp ứng các yêu cầu theo đề bài đưa ra của Chính phủ và không đụng chạm gì đến việc thu hồi đất sân golf”, TS Sanh chỉ rõ.

Nhìn nhận thêm về các phương án được đưa ra, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng có thể thấy rõ các phương án khác đưa ra nhằm mục đích để bị loại là chính. Các con số về chi phí, số hộ dân bị giải tỏa, tiến độ thi công, công suất... đưa ra khập khễnh, thậm chí vô lý.

“Nếu đơn vị tư vấn không phải là ADCC mà là một tư vấn độc lập chuyên nghiệp nước ngoài, chắc chắn sẽ có các phương án hiệu quả và minh bạch hơn nhiều. So với các lần báo cáo trước, các thông số kinh tế kỹ thuật của phương án 3 báo cáo tháng 5/2017, cơ bản không thay đổi.

Chỉ có quy mô nhà ga T4 từ 10 triệu lên 15 triệu hành khách, cộng với 28 triệu hành khách hiện nay sẽ thành con số 43 triệu hành khách/năm. Nhà ga lưỡng dụng T3 thì đưa vào dự phòng, có nghĩa sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có khả năng đáp ứng 53 đến 55 triệu hành khách/năm”, ông Sanh nhấn mạnh.

TS Phạm Sanh cũng nhắc đến tồn tại trong các lần báo cáo, đó là Tư vấn không hề đánh giá tác động đối với hệ thống giao thông của thành phố khu vực xung quanh sân bay, đặc biệt phương án chọn.

"Nếu dồn giao thông từ nhà ga T4 ra hướng Hoàng Hoa Thám và Cộng Hòa thì tình trạng kẹt xe sẽ như thế nào? Nếu làm đường song hành với Cộng Hòa (Phan Thúc Duyện nối dài) thì kinh phí phát sinh rất lớn. Ai chịu, TP.HCM hay Bộ GTVT?.

Ngoài ra, tôi không thấy phân tích về các chi phí quản lý khai thác và bảo trì của từng phương án để có thể đánh giá tính khả thi và hiệu quả một cách chuyên nghiệp", TS Sanh trăn trở.

Thu hồi đất sân golf mở rộng sân bay: Sao chậm thế?

Sao không thu hồi diện tích sân golf?

Cùng đưa ra quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng việc tăng năng suất cảng hàng không Tân Sơn Nhất lên đến 43-45 triệu hành khách/năm theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, điều vị chuyên gia băn khoăn, đó là một diện tích rất lớn trong sân bay Tân Sơn Nhất được dùng để xây dựng sân golf không thấy nói đến trong quy hoạch.

Theo ông Tống, đây là điều mà cử tri, nhân dân cũng như nhiều cán bộ quân đội về hưu tại TP.HCM bức xúc và đã có nhiều kiến nghị trong các lần tiếp xúc cử tri.

“Sân bay Tân Sơn Nhất đang cần diện tích để phát triển. Và nếu lấy lại diện tích sân golf thì theo tính toán của tôi hoàn toàn có thể đạt trên 80 triệu khách/năm, thậm chí có thể lên tới trên 90 triệu hành khách/năm.

Phương án đưa ra hiện nay tôi cho là vá víu, không thuận tiện. Chúng ta không nên dừng lại ở con số 45 triệu hành khách/năm mà cần phải phát triển hơn nữa.

Trong vài năm tới, nhu cầu vận chuyển cao hơn, chúng ta sẽ lại đặt ra vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên cao hơn nữa. Khi đó sẽ lại tiếp tục vá víu”, ông Tống nhấn mạnh.

Về vấn đề này, TS Phạm Sanh dẫn chứng thêm, sân bay Tân Sơn Nhất trước đây rộng trên 3.000 ha. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn một nửa, lại vừa quân sự vừa dân sự.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chot-phuong-an-san-bay-tan-son-nhat-co-quen-san-golf-3336580/