Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Không phải nghi ngờ nhau mới đi khám

Thực hiện khám tiền hôn nhân có thể phát hiện và điều trị kịp thời nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

Địa chỉ khám sức khỏe tiền hôn nhân tại BV Phụ sản HN (Ảnh: BV)

Đây là một việc làm đúng đắn, văn minh và mang ý nghĩa sẵn sàng cho cuộc sống mới. Khám sức khỏe tiền hôn nhân ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Bạn Nguyễn Bình A (Cầu Giấy, HN) kết hôn được 2 tháng, có thai 7 tuần. Khi đi khám thai, siêu âm thì biết thai không phát triển.

Bác sĩ chỉ định xét nghiệm HCG và xét nghiệm kiểm tra nội tiết tố mới phát hiện chỉ số nội tiết tố của A cao quá mức bình thường, gấp 4 lần. Với chỉ số này, A mặc dù có thể có thai nhưng sẽ không giữ được thai. Sau khi đình chỉ thai nghén, A phải điều trị nội tiết tố sau đó mới có thể tiếp tục có thai.

Ngồi chờ vợ cửa phòng thủ thuật, chồng của A tâm sự: "Nếu nghe lời người thân, khám sức khỏe tiền hôn nhân thì có lẽ là sẽ được điều trị trước khi có thai, để vợ mình không khổ và bị động thế này. Mình cứ nghĩ nghi ngờ gì nhau mới phải đi khám tiền hôn nhân".

Vợ chồng A chỉ là một trong nhiều trường hợp các cặp vợ chồng gặp rắc rối về sức khỏe sinh sản sau kết hôn. Hàng năm, cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn và chuẩn bị kết hôn.

Để đảm bảo nhu cầu khám sức khỏe trước hôn nhân của các cặp vợ chồng, nhiều bệnh viện đã mở ra gói khám sức khỏe tiền hôn nhân để đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng biết và nghĩ rằng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết.

Theo một bác sĩ Chuyên ngành Phụ sản & Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, quan điểm đi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân nghĩa là đôi bên nghi ngờ nhau, không tin tưởng nhau là một suy nghĩ sai lầm và rất lạc hậu.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là những việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

"Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình"- bác sĩ này nói.

Thông thường, khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục...

T.L

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-khong-phai-nghi-ngo-nhau-moi-di-kham-604934.ldo