Chống thực phẩm bẩn: Chuyển biến từ nhận thức

Chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, và vẫn là quan tâm số một của người dân hiện nay, song thực tế cho thấy, đây là "cuộc chiến" cam go, chỉ thành công khi bản thân người sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm có ý thức, tuân thủ và chấp hành những quy định, điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cần thay đổi được ý thức của chính những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Ảnh: D.N.

Từ thay đổi trong sản xuất…

Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn thời gian qua đã có nhiều giải pháp được tiến hành từ Trung ương tới địa phương. Kết quả trong công tác phòng, chống thực phẩm bẩn hiện đã có một số tín hiệu tích cực khi ý thức của người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm đã được nâng dần.

Theo tìm hiểu phóng viên, bản thân nhiều hộ sản xuất rau tại một số quận, huyện của Hà Nội đã chú trọng hơn tới mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet Gap (thực hành sản xuất rau tốt) nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội, thời gian vừa qua trên địa bàn huyện không ngừng mở rộng diện tích trồng rau an toàn và rau an toàn theo chuẩn Viet Gap, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện đã có khoảng 140 ha rau an toàn. “Không dừng lại ở đó, để đưa rau an toàn tới gần người tiêu dùng qua kênh phân phối là siêu thị, hiện một số xã trên địa bàn huyện đang trồng rau theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Viet Gap để rau an toàn của huyện có thể được bày bán trên kệ của những siêu thị lớn”, lãnh đạo huyện Thanh Trì nói.

Để làm được điều này, theo ông Quỳnh, UBND huyện sẽ siết chặt công tác giám sát các hộ trồng rau. Theo đó sẽ có giao ban hàng tháng, đánh giá tình hình sản xuất, giám sát quá trình sử dụng vật tư nông nghiệp của các hộ sản xuất, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ các hộ sản xuất về sơ chế rau sạch, bao bì đóng gói, nhãn mác, bao đai. Mỗi hộ dân trong hợp tác xã đều có mã vạch sản xuất in trên bao bì, vì vậy sản phẩm rau sạch luôn có nguồn gốc rõ ràng, thu hoạch ngày nào đều được ghi rõ trên sản phẩm. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, huyện phối hợp với trạm bảo vệ thực vật tìm kiếm các nhà cung cấp uy tín để cung cấp cho các hộ sản xuất trong huyện, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn, đồng thời ứng dụng các mô hình sản xuất rau sạch.

… Đến ý thức người kinh doanh

Về phía người chế biến, kinh doanh thực phẩm, theo ghi nhận của phóng viên cũng đã có sự chuyển biến nhận thức khá rõ nét. Từ chỗ thụ động trong việc cập nhật các kiến thức về thực phẩm sạch giờ họ đã chủ động tìm kiếm thông tin, tìm kiếm các kiến thức về an toàn thực phẩm để tự trang bị cho bản thân, đồng thời lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Hoa, một chủ cơ sở kinh doanh ăn uống ở khu tập thể Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây chị không mấy quan tâm đến việc lên mạng, đọc sách tìm hiểu thông tin cách bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn thì nay chị thường xuyên tìm những thông tin này để phục vụ cho quá trình chế biến thực phẩm.

Ngoài việc cập nhật danh mục gia vị được phép sử dụng trong thực phẩm, chị Hoa còn tìm hiểu cách chế biến làm sao để những chất trong thực phẩm không biến đổi, gây độc, hay thói quen giữ vệ sinh đôi tay trong chế biến thực phẩm, tuyệt đối không dùng tay không để cầm thực phẩm đã chín, hay phải để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín… “Nếu như trước kia thực phẩm sống và chín tôi chỉ dùng chung một thớt, thái xong chỉ dùng giẻ lau qua, nhưng hiện nay tôi dùng hai loại thớt, một dùng cho đồ sống, một dùng cho đồ chín. Hay khi bốc thức ăn chín, tôi phải đi bao tay để đảm bảo vệ sinh”, chị Hoa nói.

Không những có ý thức giữ gìn vệ sinh cho thực khách mà theo lời chị Lê Thị Thu, kinh doanh thực phẩm tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội việc kinh doanh thực phẩm bảo đảm vệ sinh cũng là cách để duy trì nguồn sống của chị và gia đình. Sở dĩ như vậy là do chị bán hàng trong khu đô thị, những người mua hàng thường là khách quen, là cư dân trong khu dân cư, do vậy nếu có bất trắc xảy ra chị sẽ mất hết uy tín và như vậy cửa hàng của chị sẽ không thể hoạt động được. “Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách cũng chính là giữ sức khỏe cho tôi và gia đình bởi gia đình tôi cũng thường xuyên phải sử dụng thực phẩm chung với khách vì do bán hàng bận rộn nên nhiều lúc không thể nấu đồ ăn riêng cho gia đình”, chị Thu chia sẻ.

Về nguồn gốc thực phẩm, chị Đặng Thu Trang, một chủ cửa hàng bán hải sản tại chợ Thành Công, Hà Nội cho biết để đảm bảo chất lượng chị chỉ lấy hàng ở mối quen duy nhất từ Quảng Ninh theo số lượng đặt hàng ngày của khách. Các mặt hàng này đều thường xuyên được test mẫu thử và có giám sát của các đơn vị chức năng.

Và sự vào cuộc của cả hệ thống

Để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các cơ quan truyền thông cùng các cơ quan chức năng của địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trước tiên thuộc về cơ sở sản xuất kinh doanh và cơ quan chức năng cần tăng cường minh bạch khi công khai luật, quy định, kết quả thanh tra/kiểm tra đồng thời truy xuất, điều tra và xử lý nghiêm sự cố, vi phạm an toàn thực phẩm.

Theo ông Long, để kiểm soát chất lượng thực phẩm, thời gian qua thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã triển khai theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng, công đoạn nguy cơ cao về an toàn thực phẩm như sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, hóa chất sử dụng trong sơ chế, bảo quản, chế biến. Các trường hợp vi phạm đã được phát giác, xử lý, loại ra khỏi chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Về phía người dân, không chỉ kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, mà còn cần nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Khi và chỉ khi các cơ quan, chính quyền địa phương và mỗi người dân không còn tư tưởng thờ ơ, kiên quyết trong "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, bảo đảm chất lượng ẩm thực đường phố, văn minh đô thị. “Quan trọng hơn hết là phải làm thay đổi được ý thức của chính những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Nếu họ vẫn coi trọng lợi nhuận hơn là sức khỏe của người tiêu dùng, của chính đồng loại thì cuộc chiến với thực phẩm bẩn sẽ còn rất gian nan”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chong-thuc-pham-ban-chuyen-bien-tu-nhan-thuc.aspx