Chống tham nhũng từ ngăn chặn xung đột lợi ích

Các tình huống xung đột lợi ích là một trong những nguồn gốc của tham nhũng. Vì vậy, kiểm soát và hạn chế các tình huống phát sinh xung đột lợi ích không những giúp nâng cao tính hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, mà còn tăng tính liêm chính, ngăn ngừa tham nhũng trong bộ máy công quyền.

Khó tách bạch món quà hay “món nợ”

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông O Đi-ô-nê nhìn nhận, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần thúc đẩy hiệu quả hơn nữa việc kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công như là điều kiện thiết yếu giúp định hình các thể chế, luật lệ và quy định của Nhà nước cũng như trên thị trường.

Trong một khảo sát do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện có tên “Kiểm soát Xung đột lợi ích trong khu vực công. Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”, 75% người dân được hỏi chưa hiểu thế nào là khái niệm xung đột lợi ích. Tuy nhiên, khi dẫn chứng các tình huống cụ thể thì đa số mọi người có thể nhận thức được tác hại của nó một cách rõ ràng. Thí dụ như, các tình huống xung đột lợi ích phổ biến có thể được nhận ra là nhận quà biếu, ưu ái người thân hay sử dụng lợi thế thông tin từ vị trí công tác cho hoạt động ngoài công vụ...

Cuộc khảo sát trên được thực hiện với 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp và 1.411 cán bộ công chức. Kết quả cho thấy, 70% cán bộ và doanh nghiệp biết rõ điều kiện đi cùng của việc trao và nhận quà. Hơn 60% món quà có giá trị hơn 500 nghìn đồng được tặng trực tiếp chủ yếu từ các cấp dưới hay từ các doanh nghiệp với mục đích nhằm giải quyết công việc một cách suôn sẻ.

Trong đời sống thường nhật, việc trao tặng quà vốn dĩ là một hành động biểu lộ tình cảm hoặc nghi thức ngoại giao thông thường. Tuy vậy, quà tặng cũng có thể tạo nên xung đột lợi ích. Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay: Việc tặng quà cho cán bộ công chức được quy định rõ ràng nhưng nếu tặng quà cho người thân của họ thì còn hạn chế. Có nhiều doanh nghiệp phản ánh trường hợp người thân cán bộ công chức gọi điện để mua cổ phần nhưng lại không thanh toán. Nếu doanh nghiệp không chấp nhận, sẽ gặp khó khăn trong việc cổ phần hóa. Điều đáng nói, cho đến nay, chúng ta vẫn thiếu cơ chế để có thể tách bạch được đâu là món quà tặng vì tình cảm, đâu là tham nhũng, hối lộ. Điều đó vô hình trung làm giảm tính khách quan công bằng trong các quyết định của cán bộ công chức và đáng ngại nhất là gây mất lòng tin của xã hội.

Cơ chế kiểm soát mối quan hệ nhân thân

Không chỉ có quà tặng, tình huống cán bộ công chức đưa ra những quyết định có lợi cho người thân cũng có khả năng tạo nên xung đột lợi ích khi tương tác giữa khu vực công và khu vực tư.

50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, việc ưu ái người thân còn tồn tại và gần 40% đã trải nghiệm khá tiêu cực khi phát hiện có chạy chọt, thông thầu trong lần đấu thầu gần nhất của khu vực công. Có thực trạng, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu vào vị trí cán bộ quản lý nhà nước, sau đó có những quyết định mang tính thiên vị cho doanh nghiệp từng công tác. Rồi mặt trái của mối quan hệ nhân thân còn thể hiện ở chính quy trình bổ nhiệm cán bộ. Trong đánh giá của nghiên cứu nói trên cũng chỉ rõ, 70% người dân cho rằng, khâu tuyển dụng và bổ nhiệm nhân viên có quan hệ thân thiết với người có chức vụ và quyền hạn. Vì vậy, dư luận xã hội còn hồ nghi về xuất thân cũng như năng lực thực tế của mỗi cán bộ trẻ khi được bổ nhiệm vào những vị trí công việc quan trọng.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhìn nhận: Quốc hội cũng là nơi có nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích rất lớn. Các đại biểu Quốc hội cần coi trọng chuẩn mực đạo đức công vụ nhằm giảm thiểu xung đột lợi ích.

Để minh bạch hóa mối quan hệ “công” và “tư”, trước hết cán bộ công chức cần nhận thức đầy đủ và chính xác khái niệm xung đột lợi ích để hiểu và coi đó như nguyên tắc làm việc. Một khi nguyên tắc này được ứng dụng rộng rãi thì nó sẽ giúp vận hành bộ máy quản lý nhà nước một cách minh bạch, hiệu quả.

Ngăn chặn xung đột từ gốc

Kết quả khảo sát nghiên cứu đã đưa ra đánh giá chung về các yếu tố quan trọng tác động lớn tới việc thực thi các quy định liên quan đến xung đột lợi ích. Đó là do xử lý chưa nghiêm những sai sót, lãnh đạo chưa gương mẫu và việc kiểm tra giám sát còn lỏng lẻo.

“Trong một cơ quan, đơn vị, việc thủ trưởng là người giám sát và xử lý vi phạm sẽ gây khó khăn cho cán bộ muốn khiếu nại một khi lãnh đạo chưa gương mẫu. Do đó, cần một đơn vị độc lập thứ ba đứng ra làm trung gian giám sát và xử lý nghiêm những hành vi sai phạm”, bà Vũ Thị Kim Hạnh chia sẻ. Muốn phòng, chống tham nhũng cần sự đồng hành của khu vực tư. Thế nhưng, đồng hành ra sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Nhìn nhận về các kết quả thu được từ cuộc khảo sát nói trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, nghiên cứu đã đưa ra ba kiến nghị hữu ích để giải quyết xung đột lợi ích từ gốc vấn đề. Trước hết, cần tập trung nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân nhằm giảm thiểu tình huống xung đột lợi ích ở cán bộ công chức. Tiếp theo đó là khâu hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm kiểm soát xung đột lợi ích. Cần tập trung vào xây dựng khái niệm và thiết lập cơ chế kiểm soát; mở rộng phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật; sửa đổi quy định về tặng và nhận quà; kiểm soát các hoạt động ngoài công vụ và sau khi nghỉ làm việc trong cơ quan nhà nước; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập. Cuối cùng là giải pháp nâng cao năng lực kiểm soát cũng như xử lý vi phạm về xung đột lợi ích.

Ngăn chặn tham nhũng bắt đầu từ ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích trong khu vực công là một quá trình gian nan, nhưng đây là điều cần cấp thiết tiến hành nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035.

Xung đột hay mâu thuẫn về lợi ích là tình huống mà người cán bộ công chức có chức vụ cao phải đưa ra các quyết định sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích chung và lợi ích của riêng cá nhân họ. Đây chính là nguy cơ dẫn tới những hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn để vụ lợi cho bản thân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/31308402-chong-tham-nhung-tu-ngan-chan-xung-dot-loi-ich.html