Chống tham nhũng phải từ căn nguyên

Việc TP.HCM ban hành quy chế về khen thưởng và bảo vệ người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng (có hiệu lực từ đầu tháng 7) được xem là một bước tiến trong việc tạo ra khung khổ pháp lý cho công cuộc chống “giặc nội xâm” ở TP.

Tuy vậy, trong bài viết của mình, GS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nguyên thành viên Ban nghiên cứu chiến lược Chính phủ, cho rằng muốn chống tham nhũng một cách hiệu quả thì phải đi từ gốc rễ của căn bệnh này. Pháp Luật TP.HCM xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc. Tham nhũng là một căn bệnh, thậm chí là một dịch bệnh xuất hiện trong nhiều giai đoạn lịch sử của nhiều quốc gia trên thế giới. Tham nhũng có sức tàn phá rất lớn đối với nền kinh tế, làm suy thoái đạo đức và lối sống, gây bất công xã hội và làm suy yếu hệ thống chính trị. Bốn vấn đề đáng quan ngại Hiện nay tham nhũng đã trở thành “quốc nạn”, làm tụt hậu về kinh tế và suy thoái về đạo đức, lối sống, trở thành nỗi bức xúc nặng nề của xã hội. Tham nhũng gây nên bốn vấn đề đáng quan ngại. Thứ nhất, tham nhũng đã lấy đi một khoản không nhỏ nguồn đầu tư của ngân sách chính phủ cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng (theo nhiều ý kiến của giới nghiên cứu và quản lý thì không dưới 30% nguồn đầu tư bị thất thoát bởi tham nhũng và lãng phí - PV). Thứ hai, tham nhũng còn lấy đi không ít trong đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước, vòi vĩnh rút tiền của dân và công quỹ của các tổ chức chính quyền, đoàn thể. Thứ ba, tham nhũng làm mất mát, hư hỏng không ít viên chức của hệ thống chính trị và cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhà nước. Thứ tư, tham nhũng phá vỡ kỷ cương lề luật, tạo sự phân hóa và bất công xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với chế độ, đối với vai trò quản lý của nhà nước. Nguyên nhân nhìn từ gốc Không tìm được nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng sẽ không có giải pháp phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Đã đến lúc cần phải nhìn rõ nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Đó là nền kinh tế công hữu, từ sự tập trung và lạm dụng quyền lực và từ sự bất cập của dân chủ hóa. Nguyên nhân tham nhũng một phần do nền kinh tế công hữu hình thành và phát triển vượt quá giới hạn quản lý, tạo ra những khối tài sản và tiền của “vô chủ”, từ đó tạo nhiều kẽ hở cho lãng phí, thất thoát và làm sinh sôi, nảy nở lòng tham ở không ít người. Ngoài ra, chế độ tiền lương không bù đắp đủ yêu cầu tái tạo nguồn lực và thiếu công bằng đối với sự cống hiến của từng người, phần nào đó đã tạo ra tâm lý “tự tạo ra sự bù đắp, tự tạo ra sự công bằng” là cái cớ biện minh cho các thói hư, tật xấu - tham nhũng. Theo nhiều ý kiến của giới nghiên cứu và quản lý, nguồn đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thường thất thoát 30% bởi tham nhũng và lãng phí. Ảnh: HTD Sự tập trung quyền lực trong hệ thống lãnh đạo và quản lý nhưng thiếu những chế tài hạn chế tham nhũng làm cho những người có lòng tham có thể tham nhũng. Nhiều trường hợp tham nhũng được xử lý phần lớn là người của doanh nghiệp nhà nước, của hệ thống chính trị. Thể chế dân chủ, công khai, minh bạch chưa được phát huy đúng mức sẽ gây ra nhiều bất cập và thiếu điều kiện trong việc phòng chống tham nhũng. Phòng chống tham nhũng chưa thật sự hiệu quả là do sự tập trung và lạm dụng quyền lực dẫn tới nạn ban phát “quyền tham nhũng” và “quyền bao che tham nhũng”. Tính dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch chưa được phát huy đúng mức nên chưa đủ tầm kiểm soát tham nhũng với sự tham gia của người dân. Giải pháp phải từ căn cơ Theo tôi, cần thúc đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc cơ cấu của nền kinh tế và đổi mới quản lý theo mô hình kinh tế thị trường hiện đại của một xã hội dân chủ. Về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cần thấy rằng sự tuyệt đối hóa chế độ công hữu đất đai là đối tượng của tình trạng trục lợi, tham nhũng. Theo tôi, cần phân định về hai loại quyền đối với đất đai. Đó là đất gắn với tư cách tài nguyên thiên nhiên như các tài nguyên khác là của quốc gia - thuộc chủ quyền quốc gia, ai khai thác, sử dụng phải chịu sự kiểm soát của luật pháp và phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Đối với đất đai được đưa vào sử dụng với tư cách là tư liệu sản xuất (trong sản xuất nông nghiệp), là yếu tố cấu thành tài sản trong cấu thành bất động sản, là của nhà sản xuất, của chủ tài sản - thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất, của chủ tài sản. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, giá trị sử dụng của đất cũng phải theo thể chế “đa dạng hóa sở hữu”. Như vậy đất đai sẽ không còn là vật “vô chủ” để dễ dàng bị trục lợi tham nhũng. Ngoài ra, chính sách tiền lương cần tương xứng khả năng cống hiến và công bằng giữa các đối tượng hưởng lương sẽ có tác dụng phòng chống tham nhũng nhiều mặt, xóa đi cái cớ “lương không đủ sống” để biện minh cho tham nhũng, đồng thời nâng cao kỷ cương lề luật và trách nhiệm công việc của người ăn lương. Thực tế có không ít cán bộ có chức có quyền ngoài lương còn có một số khoản thu nhập khác từ công quỹ không được công khai, minh bạch, tạo kẽ hở cho trục lợi, tham nhũng. Do đó, cần cải cách chính sách thu nhập bằng tiền lương. Cần tập trung pháp quyền đủ thực quyền về lập pháp, hành pháp, tư pháp có sự phân định rõ quyền và trách nhiệm của nhau để giám sát, kiềm chế lẫn nhau, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực dẫn đến sự ban phát “quyền tham nhũng” hay “quyền bao che tham nhũng”. Chủ động chống tham nhũng Trong thời gian qua, người dân và giới báo chí phát hiện nhiều vụ tham nhũng. Đó chỉ là chống tham nhũng thụ động. Cần phải phòng chống tham nhũng từ cội nguồn bằng cách thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa xã hội để tạo đủ quyền và trách nhiệm của người dân trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng. Đó là quyền và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng tổ chức và chọn lựa nhân sự cho hệ thống chính quyền ít có mầm tham nhũng. Quyền và trách nhiệm trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ thông tin đại chúng và từ sự dân chủ, công khai, minh bạch của chính quyền và quyền được đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh các tổ chức và cá nhân tham nhũng. HUỲNH LỘC ghi GS ĐÀO CÔNG TIẾN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100626010332782p0c1013/chong-tham-nhung-phai-tu-can-nguyen.htm