Chống tham nhũng khu vực tư: Đừng quá lo lạm quyền

Doanh nghiệp có thể là tác nhân quan trọng phá vỡ vòng luẩn quẩn tham nhũng.

Trong các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã có đăng tải các ý kiến của chuyên gia về vấn đề chống tham nhũng trong khu vực tư dự kiến chế định vào Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi tới đây. Luồng quan điểm thứ nhất (ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng chống tham nhũng trong khu vực tư là cần thiết nhưng phải cân nhắc thời điểm và bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm quyền, gây áp lực lên các doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), lại nhìn nhận đã đến lúc chế định vấn đề chống tham nhũng tư vào luật và điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía.

Để có thêm cái nhìn khách quan về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với một chuyên gia độc lập - bà Trần Thị Lan Hương (ảnh), chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), về kinh nghiệm PCTN khu vực tư trên thế giới và những khuyến cáo cho Việt Nam.

Chống tham nhũng phải đi bằng hai chân

. Phóng viên: Thưa bà, PCTN trong khu vực tư đúng là một yêu cầu chính đáng. Vậy các nước trên thế giới chống tham nhũng trong khu vực tư thế nào?

+ Bà Trần Thị Lan Hương: PCTN trong khu vực tư có hai khía cạnh, một là PCTN trong giao dịch giữa khu vực tư và khu vực công, tức là tương tác giữa DN và các cơ quan nhà nước. Hai là PCTN trong tương tác giữa các DN với nhau.

Dù là khía cạnh nào đi nữa thì kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy PCTN trong khu vực tư có hiệu quả khi các DN trực tiếp tham gia vào quá trình cải cách thể chế, thúc đẩy thị trường cạnh tranh bình đẳng và sự minh bạch của Chính phủ.

Khu vực tư nhân có thể tham gia tích cực vào PCTN bằng việc thực thi các nguyên tắc về minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tương tác với các cơ quan chính phủ và trong giao dịch với cộng đồng DN, ở mỗi quốc gia nơi DN có trụ sở hay ở nước ngoài. Điều này có thể thực hiện được bằng cách tăng cường quản trị DN, kiểm soát nội bộ, thiết lập đạo đức kinh doanh, thúc đẩy liêm chính và thực hiện các biện pháp kiểm soát tuân thủ.

. Vây để PCTN trong khu vực tư hiệu quả, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN thì cần phải có những điều kiện gì?

+ Vấn đề cần nói đến ở đây là đối tượng điều chỉnh chính của Luật PCTN là ai. Đó chính là cán bộ, công chức - những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan công quyền. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch, khi các quyết định được đưa ra một cách công khai và nhất quán, sẽ không có nhiều DN có ý định hối lộ hoặc đi cửa sau để có được hợp đồng kinh doanh. Nên để hoạt động của DN được điều chỉnh bởi những nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhất quán trong các luật chủ chốt như Luật DN và Luật Đầu tư, cùng với những biện pháp tăng cường kiểm soát nội bộ và quản trị DN song hành.

Nhiều sai phạm do một số lãnh đạo ngân hàng gần đây gây ra làm ảnhhưởng đến quyền lợi người gửi tiền, nhà đầu tư. Trong ảnh: Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam ra tòa tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Hãy để công tác PCTN đi bằng hai chân vững chãi với việc thực thi nghiêm và hiệu quả các biện pháp hạn chế và xử phạt sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức với DN. Và đừng bắt công tác PCTN tập đi bằng cà kheo trong khi đi còn chưa vững với việc yêu cầu lãnh đạo DN kê khai tài sản và thu nhập.

Không thiếu cách chống lạm quyền

. Nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ lạm quyền khi PCTN trong khu vực tư. Kinh nghiệm của các nước trong việc kiểm soát lạm quyền của cơ quan chống tham nhũng đối với DN như thế nào?

+ Sẽ thật là nực cười khi các sáng kiến PCTN trong khu vực tư lại giúp bổ sung công cụ cho các cơ quan nhà nước lạm quyền đối với DN.

Việc thiết lập một cơ chế phản hồi hiệu quả giữa DN và chính quyền, nâng cao vai trò của DN và hiệp hội DN trong cải cách thể chế, thúc đẩy các sáng kiến liêm chính trong kinh doanh, khuyến khích các hành động tập thể để cùng lên tiếng phản đối việc lạm quyền của các cơ quan nhà nước sẽ rất quan trọng.

.Theo bà, về phía các DN, họ nên làm gì để có cơ chế tự bảo vệ mình khi bị cơ quan PCTN “hành là chính”?

+ Các DN trước tiên phải thực hành liêm chính trong hoạt động kinh doanh của mình. Sáng kiến tăng cường liêm chính ở Khu công nghệ cao Sài Gòn là một điểm sáng cần nhân rộng.

Thứ hai, các DN cần tăng cường kiểm soát nội bộ và nâng cao tiêu chuẩn quản trị DN. Ngoài ra, các DN cần liên kết lại với nhau, đưa ra tiếng nói chung và cộng hưởng của cộng đồng DN nhằm thúc đẩy một chính phủ kiến tạo, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng.

. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, theo bà, vấn đề PCTN trong khu vực tư đã cấp thiết chưa? Vì sao?

+ Nghiên cứu xã hội học về PCTN do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2012 đã chỉ ra rằng DN có thể là tác nhân quan trọng phá vỡ vòng luẩn quẩn tham nhũng. Cần hai đối tác để có thể nhảy điệu “tango” chống tham nhũng (có sự tham gia của hai phía công và tư). Vì vậy không bao giờ là quá sớm để các DN từ chối tham gia điệu nhảy này.

Ngoài ra, khi ranh giới giữa lợi ích công và lợi ích tư khó xác định, sẽ cần có các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích nhằm giúp quá trình ra quyết định được khách quan, công bằng và hiệu quả hơn, dù đó là PCTN trong khu vực tư nói riêng hay PCTN nói chung.

. Xin cám ơn bà.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng có căn cứ thực tế để đưa tham nhũng khu vực tư vào Luật PCTN sửa đổi. “Mấy vụ việc ngân hàng lình xình gần đây hầu hết đều cho vay trái quy định, có sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn, đấy là biểu hiện của tham nhũng. Điều này sẽ khiến những người gửi tiền, các nhà đầu tư mua cổ phiếu gặp nguy hiểm. Đây là một ví dụ cho thấy có căn cứ để chống tham nhũng ở khu vực tư. Điều đáng nói là chỉ có những chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc mới làm được những việc linh tinh như thế!” - ông Thanh cho biết.

Trước ý kiến cho rằng chống tham nhũng ở khu vực tư sẽ làm sao nhãng chống tham nhũng trong khu vực công, ông Thanh cho rằng: “Chống tham nhũng công, tư là hai việc khác nhau. Chỗ nào có cũng phải chống, không bàn riêng”.

ĐẶNG TRUNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/chong-tham-nhung-khu-vuc-tu-dung-qua-lo-lam-quyen-657493.html